Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, song dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2024 vẫn có nhiều khởi sắc. Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Kim Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc về kết quả đạt được trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm. Nguyệt Thắm thực hiện.
Ông có thể chia sẻ một số kết quả đạt được nổi bật trong thu hút đầu tư vào các KCN Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2024?
Với những nỗ lực trong công tác xúc tiến đầu tư vào các KCN của tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã làm thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 29 dự án đầu tư FDI và DDI; đồng thời điều chỉnh tăng vốn cho 23 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 339,79 triệu USD và 1.700,03 tỷ đồng. Cụ thể: Dự án FDI: Cấp mới 21 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 153,93 triệu USD; cấp điều chỉnh tăng vốn cho 19 dự án với số vốn tăng thêm 185,87 triệu USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2024 là 339,79 triệu USD, đạt 104% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 97% kế hoạch năm 2024. Dự án DDI: Cấp mới 8 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 772,94 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm 927,09 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2024 là 1.700,03 tỷ đồng, bằng 37% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 113% kế hoạch năm 2024.
KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN. Đứng đầu về vốn đầu tư là Hàn Quốc với 185 dự án, vốn đăng ký đầu tư 2.521,7 triệu USD, chiếm 37,7% tổng vốn đầu tư, đứng thứ hai là Đài Loan với 46 dự án, vốn đầu tư 1.187,8 triệu USD chiếm 17,8% tổng vốn đầu tư; đứng thứ ba là Nhật Bản có 49 dự án, vốn đầu tư 1.166,4 triệu USD, chiếm 17,4% tổng vốn đầu tư; Thái Lan đứng thứ 4 với 10 dự án, vốn đầu tư 734,4 triệu USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng thứ 5 với 42 dự án, vốn đầu tư 382,6 triệu USD, chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư. Còn lại theo thứ tự lần lượt là các dự án đến từ Italia, Singapore, British Virgin Islands, Samoa, CH Seychelles, Hà Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Belize, Indonesia, Tây Ban Nha, CH Mauritius và Pháp.
Để có được kết quả trên, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã nỗ lực như thế nào trong các hoạt động xúc tiến đầu tư và cụ thể các hoạt động đó là gì, thưa ông?
Thời gian qua, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc luôn tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được Ban phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trong tỉnh triển khai hết sức đa dạng, phong phú, bài bản và hiệu quả, cụ thể như sau:
Phối hợp với Đài truyền hình VTV tuyên truyền về cải cách hành chính trong giải quyết thủ tục đầu tư vào các KCN của tỉnh; triển khai các nội dung hợp tác với tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), tỉnh Pernik (Bungari), vùng Toscana (Italia) đến năm 2025 theo Kế hoạch số 311/KH-UBND ngày 22/12/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc có liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của Ban.
Công ty TNHH Jahwa Vina, KCN Khai Quang
Phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát, tổng hợp, đề xuất các nội dung/văn kiện hợp tác kinh tế với các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản tổ chức từ ngày 16-18/12/2023 tại Nhật Bản theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức chương trình không gian triển lãm, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Kết nối cùng phát triển - “Link to Grow” tại Vĩnh Phúc; thông báo, mời các doanh nghiệp trong KCN tham dự các chương trình, diễn đàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài như: Đoàn xúc tiến đầu tư – thương mại tại Nhật Bản, Hoa kỳ; Chương trình học tập, khảo sát thực tế và tham dự Triển lãm Công nghệ Thông tin Nhật Bản lần thứ 33 tại Nhật Bản…
Tham gia tiếp và làm việc với lãnh đạo một số Tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư và triển khai dự án tại KCN của tỉnh, như: Tập đoàn Young Poong, Quỹ đầu tư META và Công ty Grandway Singapore...; tham gia đoàn tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), đưa đoàn đến thăm và làm việc với Công ty Powerlogics Vina...
Làm việc, trao đổi học tập kinh nghiệm với Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận về công tác xúc tiến đầu tư.
Cùng với đó, thường xuyên cung cấp các thông tin về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, tình hình phát triển KCN cho các cơ quan báo chí, truyền thông và các nhà đầu tư để lan toả về môi trường đầu tư kinh doanh trong các KCN của tỉnh.
Công ty TNHH Linh kiện tự động Minda Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên)
Những tháng cuối năm, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nào để tiếp tục đạt được hiệu quả cao trong thu hút đầu tư vào các KCN, thưa ông?
Nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN, những tháng cuối năm, chúng tôi đã xây dựng một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật KCN cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước; chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh vào các KCN.
Hai là, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; tiếp tục thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch tính chất ngành nghề thu hút đầu tư vào các KCN và định hướng, chủ trương của tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện môi trường, ít phát sinh khí thải nhà kính, có giá trị gia tăng cao, sử dụng lao động chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó tập trung thu hút FDI vào các ngành và sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh như: công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp công nghệ số (gồm công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, các ngành công nghiệp mới, sản xuất chip, bán dẫn sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư); công nghiệp ô tô; công nghiệp hỗ trợ; phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, sản xuất vật liệu mới; đầu tư phát triển bất động sản KCN.
Ba là, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước theo chỉ đạo của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Bốn là, tăng cường công tác nắm tình hình, xu hướng đầu tư trên thế giới và trong khu vực, dự báo sát thực tiễn để có các giải pháp phù hợp, linh hoạt, kịp thời trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thẩm định, cấp phép đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Dự kiến 6 tháng cuối năm 2024, các KCN Vĩnh Phúc sẽ thu hút từ 3-5 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn 50 - 70 triệu USD và 2-3 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn 1.000 -1.200 tỷ đồng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI