Qua nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tỉnh Phú Thọ đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư. Nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp thích ứng trước thách thức mới, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp và hành động quyết liệt, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; hiểu rõ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để vào cuộc, tháo gỡ kịp thời. Xung quanh những nỗ lực này, phóng viên đã có phỏng vấn với ông Trịnh Thế Truyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh được xác định là khâu đột phá trọng tâm hàng đầu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Điều này có ý nghĩa thế nào trong công tác chỉ đạo điều hành? Tỉnh đã vào cuộc triển khai ra sao, thưa ông?
Điểm mới trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là Tỉnh ủy chỉ ban hành duy nhất một nghị quyết về thực hiện khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đó là Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021. Điều này giúp công tác chỉ đạo, điều hành có sự tập trung, đồng thời cũng thể hiện tinh thần coi doanh nghiệp là trung tâm, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Để triển khai Nghị quyết số 61-NQ/TU, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5246/KH-UBND, xác định rõ 5 mục tiêu, 8 nhóm giải pháp và 33 nhiệm vụ cụ thể, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được phân công, theo dõi.
Xác định rõ giải phóng mặt bằng (GPMB) là “nút thắt” lớn nhất trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành rà soát xác định rõ các nhóm dự án trọng điểm để tập trung tháo gỡ; trung bình trong 3 năm gần đây từ 17-18 dự án/năm. Tỉnh ủy cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm trên địa bàn do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban.
Bên cạnh đó, các Ban Chỉ đạo huyện, thành, thị đã xây dựng kế hoạch cụ thể từ công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường, GPMB, thủ tục đầu tư. Ban Chỉ đạo GPMB, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tổ chức giao ban hàng tuần, thậm chí họp đột xuất để giải quyết ngay vướng mắc phát sinh với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm cao nhất.
Đồng thời, tỉnh đã rà soát kiện toàn tăng cường năng lực, tổ chức lại văn phòng đăng ký sử dụng đất tại các huyện; kiểm tra theo dõi, giám sát đôn đốc kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, gắn trách nhiệm của từng cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ “rõ người, rõ việc và rõ thời gian”.
Cùng với tháo gỡ điểm nghẽn về GPMB, HĐND và UBND tỉnh rà soát, ban hành một số cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC); đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; triển khai lập, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030,… nhằm tạo sự đồng bộ, hiệu quả trong quá trình thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đoạn qua tỉnh Phú Thọ, tháng 01/2023
Qua nửa nhiệm kỳ triển khai, khâu đột phá trên đạt được kết quả nổi bật nào?
Trong 3 năm 2021 - 2023, tỉnh đã thu hồi 766ha đất, trong đó bàn giao trên 500ha đất sạch cho các dự án. Nhiều dự án trọng điểm kịp thời có được mặt bằng triển khai, thậm chí có dự án chậm tiến độ kéo dài đã được tháo gỡ khó khăn.
Ngoài ra, tỉnh đã huy động khối lượng vốn đầu tư lớn: Trong 3 năm qua tổng vốn thực hiện đầu tư phát triển thực hiện 118 nghìn tỷ đồng, đạt 74,2% mục tiêu cả giai đoạn.
Cơ cấu vốn tăng mạnh tỷ trọng ngoài ngân sách, nhất là vốn FDI (từ 78,3% giai đoạn 2016 - 2020 tăng lên 80,8% giai đoạn 2021- 2023). Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, Phú Thọ đã thu hút 472 dự án DDI với số vốn đăng ký 51 nghìn tỷ đồng, 77 dự án FDI vốn đăng ký 1.326 triệu USD; quy mô bình quân 188 tỷ đồng/dự án DDI (tăng 27,7 tỷ đồng) và 33,8 triệu USD/dự án FDI (tăng 24,2 triệu USD so với giai đoạn trước). Các dự án đầu tư thu hút mới phần lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có quy trình công nghệ hiện đại. Đã có 2.150 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 30,3 nghìn tỷ đồng, đưa tổng số trên địa bàn có 11.083 doanh nghiệp, đạt 100,8% mục tiêu nhiệm kỳ.
Kết cấu hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp được đầu tư mạnh mẽ. Tại thời điểm quý III/2023 có 18/20 dự án trọng điểm vốn ngân sách Trung ương đang triển khai (dự kiến năm 2023 hoàn thành 7/20 dự án; năm 2024 hoàn thành 13/20 dự án, về đích trước thời hạn so với kế hoạch đầu tư công trung hạn 01 năm). Giai đoạn 2021- 2023 đã cải tạo, đầu tư mới, nâng cấp 18 tuyến đường với chiều dài 251km. Phú Thọ đã đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1- 356ha) KCN Phú Hà, KCN Thụy Vân mở rộng (335ha); đang triển khai hoàn thiện hạ tầng KCN Cẩm Khê (450ha); KCN Trung Hà (200ha). Đến nay, toàn tỉnh có 04/07 KCN, 26/28 CCN đã hoàn thành hạ tầng đưa vào sử dụng hoặc sử dụng từng phần.
Thêm một điểm nhấn khác là công tác CCHC được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến rõ rệt; các thủ tục đầu tư, đất đai được giải quyết nhanh chóng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Hiện có 1.961 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.116 dịch vụ (tăng 758 dịch vụ so với năm 2020); giải quyết theo hình thức trực tuyến đạt 71,1% (tăng 65% so với năm 2020). Kết quả xếp hạng 4 chỉ số Par Index, PCI, SIPAS và PAPI trong 03 năm gần đây luôn giữ ở mức khá so với 63 tỉnh, thành phố.
Nhờ sự nỗ lực trên, kinh tế của tỉnh liên tục duy trì đà tăng khá so với cả nước và các tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. GRDP bình quân 3 năm (2021- 2023) đạt 7,29%/năm; trong đó, lĩnh vực công nghiệp tăng trên 11%/năm; quy mô kinh tế ngày càng mở rộng. Năm 2023, dự kiến GRDP của tỉnh đạt trên 100 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh, duy trì trong nhóm các địa phương có giá trị xuất khẩu cao, đạt trên 12,1 tỷ USD năm 2022 (gấp 2,6 lần so với năm 2020).
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ, tháng 8/2022
Ông cho biết đâu là những nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới?
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó chú trọng hoàn thành và hoàn thành vượt các mục tiêu: Tăng trưởng kinh tế đạt từ 7,5% trở lên; thu hút vốn đầu tư từ 160-180 nghìn tỷ đồng; phát triển trên 11 nghìn doanh nghiệp;…
Phú Thọ cũng quyết liệt thực hiện hoàn thành các công trình hạ tầng trọng điểm như: 13/20 dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách Trung ương trong năm 2024; phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án do bộ, ngành triển khai trên địa bàn (cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Phú Thọ - Ba Vì) và các tuyến quốc lộ đi qua tỉnh; hoàn thiện thủ tục đầu tư, khởi công 2 KCN (Tam Nông, Hạ Hòa), đẩy nhanh tiến độ hoàn thành KCN Phú Hà giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2, KCN Phú Hà, KCN Cẩm Khê; đẩy nhanh tiến độ hạ tầng CCN Bắc Lâm Thao, Vạn Xuân, Thục Luyện, Bãi Ba 2,…
Tỉnh thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, đất đai, lao động; xử lý kịp thời các vấn đề có liên quan; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ tín dụng (lãi suất ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ,...); chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,…
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác GPMB; tăng cường vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và đoàn thể các cấp;… phấn đấu có 200 - 300ha mặt bằng sạch để thu hút đầu tư.
Ngoài ra, tập trung chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; gắn với trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả kỷ luật, kỷ cương hành chính;… đặc biệt là hoàn thành công bố Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI).
Nhằm quán triệt Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới và các chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục kiến tạo không gian đầu tư, kinh doanh bằng các nhiệm vụ và giải pháp nào?
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai đồng bộ hơn, quyết liệt hơn các giải pháp để bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; đẩy mạnh CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tăng cường đối thoại, cùng giải quyết khó khăn và đẩy lùi hiện tượng tiêu cực gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
Ngày 21/8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3216/UBND-KTTH về việc tiếp, làm việc định kỳ để tiếp nhận các phản ánh, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo đó, bắt đầu từ tháng 9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tiếp, làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư định kỳ 01 lần/tháng tại Văn phòng UBND tỉnh và tổ chức tiếp, làm việc tại doanh nghiệp để nắm bắt, hiểu rõ hơn tình hình hoạt động và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.
Đây cũng là hoạt động cụ thể để thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 cũng như Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI