Phát triển nguồn nhân lực được Đảng bộ tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định là một trong 4 khâu đột phá chiến lược và nhiệm kỳ 2020 - 2025 coi là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Theo ông Trần Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Phú Thọ, các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã và đang được triển khai hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp (DN).
Tỉnh Phú Thọ xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giải pháp mang tính đột phá để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế
Ông đánh giá như thế nào về tình hình lao động, việc làm và công tác đào tạo nghề của tỉnh Phú Thọ hiện nay?
Tỉnh Phú Thọ có dân số trên 1,4 triệu người, đang trong thời kỳ “dân số vàng”. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có 833.000 người (chiếm 58% dân số), đang làm việc trong nền kinh tế có 817.600 người (chiếm 57%), sống ở khu vực nông thôn chiếm 80% và hàng năm được tăng thêm 1,2 - 1,4%. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 70%; năng suất lao động bằng 76% mức trung bình cả nước, đứng thứ 4 trong khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ.
Điểm mạnh nổi bật là người lao động Phú Thọ cần cù, chịu khó song hạn chế là thể trạng còn thấp; ý thức tổ chức kỷ luật, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, văn hóa DN còn thiếu và yếu. Nguồn lao động có kỹ năng nghề nghiệp chất lượng cao còn ít, tỷ lệ lao động qua đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ) chỉ chiếm 28% lao động đang làm việc, chưa đáp ứng yêu cầu của DN, nhất là DN sử dụng máy móc hiện đại có công nghệ tiên tiến.
Những năm qua, tỉnh đã quan tâm việc rà soát, sắp xếp và phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN); tạo điều kiện để DN, nhà đầu tư thành lập và tham gia hoạt động đào tạo nghề. Hiện trên địa bàn có 37 cơ sở GDNN và tham gia hoạt động GDNN, trong đó có 24 cơ sở công lập (7 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 15 trung tâm), 11 cơ sở đào tạo nghề trọng điểm, 4 ngành, nghề trọng điểm quốc tế, 10 nghề trọng điểm cấp khu vực ASEAN và 24 nghề trọng điểm quốc gia; 59 nghề trình độ cao đẳng, 71 nghề trình độ trung cấp, 101 ngành nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Hệ thống GDNN hiện có cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực địa phương.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn, tỉnh đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Phú Thọ xác định: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giải pháp chiến lược, mang tính đột phá để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp chế biến, chế tạo; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; dịch vụ du lịch,… Trên cơ sở đó, tỉnh đã đề ra mục tiêu: Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 72% (có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận đạt 30%; số lao động có việc làm tăng thêm 15.000 - 16.000 người/năm; xuất khẩu lao động 2.700 người/năm;...).
Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường nhận thức vai trò nhân lực của các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị, DN, người sử dụng lao động và người dân; nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan thu thập, xây dựng hệ thống thông tin cung - cầu lao động; xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn kết cơ sở GDNN với DN, mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng. Chú trọng xây dựng chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học; khuyến khích, hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, hợp tác xã trong đào tạo, truyền nghề gắn với giải quyết việc làm.
Tỉnh cũng đẩy mạnh đổi mới hệ thống GDNN về nội dung, chương trình và phương pháp; thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS, THPT; triển khai phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng, thực hành; củng cố phát triển một số cơ sở giáo dục đại học và GDNN chất lượng cao.
Phú Thọ còn đẩy mạnh sắp xếp lại mạng lưới GDNN; mạnh dạn giải thể, sáp nhập đơn vị hoạt động kém hiệu quả; gắn kết cơ sở đào tạo với DN trong xây dựng chương trình và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, trong đó có việc xây dựng Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ trở thành trường nghề chất lượng cao,
Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh xã hội hóa GDNN, chú trọng các DN đào tạo nghề có gắn với sử dụng lao động; ưu tiên đào tạo công nhân cho các dự án công nghệ mới, công nghệ cao, các nghề phục vụ ngành du lịch cũng như các nghề truyền thống; có cơ chế khuyến khích DN đầu tư phát triển GDNN; thu hút nguồn lực quốc tế thông qua hợp tác, liên kết đào tạo.
Phát triển nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, trong đó có nhân lực phục vụ cho công nghiệp chế biến, chế tạo
Ông nhìn nhận thế nào về Chỉ số Đào tạo lao động những năm gần đây, đồng thời tỉnh tiếp gỡ điểm nghẽn về phát triển nhân lực ra sao trong thời gian tới?
Trong 5 năm gần đây, Chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh có điểm số, thứ hạng khá cao trong bảng xếp hạng Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Cụ thể, năm 2018: 7,04 điểm, xếp 9/63 tỉnh, thành phố; năm 2019: 7,15, điểm, xếp 14/63; năm 2020: 7,12 điểm, xếp 10/63; năm 2021: 6,21 điểm, xếp 22/63 và năm 2022: 6,57 điểm, xếp 8/63 tỉnh, thành phố. Trong năm 2022, Chỉ số Đào tạo lao động được đánh giá khả quan tại một số chỉ số thành phần như: 70% DN cho rằng việc tuyển dụng lao động phổ thông tại tỉnh dễ dàng; 50% DN cho rằng dạy nghề có chất lượng tốt; 59% DN có ý kiến giáo dục phổ thông có chất lượng tốt;…
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển nhân lực, Sở LĐTB&XH đã tham mưu ban hành, triển khai Kế hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2021 - 2025 (Kế hoạch 3558/KH-UBND ngày 13/9/2022 của UBND tỉnh). Theo đó, tỉnh tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện để DN dễ tiếp cận nguồn cung lao động, nâng cao chất lượng lao động, cơ sở đào tạo; có chiến lược, kế hoạch đào tạo, cung ứng kịp thời, sát với nhu cầu thực tiễn; đồng thời đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư.
Song hành với đó là việc xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Hệ thống thông tin và dự báo hướng tới đối tượng sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cơ sở giáo dục đào tạo, GDNN, DN và nhất là người lao động.
Tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đa dạng hóa các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa.
Tỉnh còn tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong kết nối GDNN với DN; nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhân trình độ kỹ năng cho người lao động; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại DN, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực. Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực thị trường; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, có phân tầng chất lượng. Thực hiện tốt việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động; có kế hoạch đào tạo nghề cụ thể gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhu cầu sử dụng lao động của DN, nhu cầu học nghề của người lao động.
Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của ngành LĐTB&XH, sự phối hợp tích cực của các sở, ngành, địa phương và đơn vị đào tạo nghề sẽ góp phần cải thiện Chỉ số thành phần Đào tạo lao động năm 2023 và các năm tiếp theo.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI