Năm 2023, Chỉ số PCI của tỉnh Cà Mau đã có sự chuyển biến tích cực về thứ hạng, điểm số so với các tỉnh, thành phố cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL); nằm trong top các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt trên bản đồ PCI của cả nước. Vậy đâu là những giải pháp tạo nên sự bứt phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI vùng đất cực Nam Tổ quốc? Xung quanh nội dung này, Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Thánh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh.
Ông có thể chia sẻ về những thế mạnh giúp Cà Mau thu hút các nhà đầu tư cũng như kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh nhà đến thời điểm hiện tại?
Cà Mau là 1 trong 4 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL. Với vị trí địa lý 3 mặt giáp biển; vùng biển rộng trên 71.000km2, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia, tỉnh Cà Mau có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển cũng như cơ hội kết nối giao thương với các nước trên thế giới. Tỉnh còn có tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái với trên 100.000ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Nền kinh tế Cà Mau tăng trưởng khá, tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác ngày càng hiệu quả và phát triển theo hướng bền vững. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế của tỉnh được phục hồi và tiếp tục phát triển. GRDP năm 2022 tăng 6,99%, năm 2023 tăng 7,83%, năm 2024 theo số liệu ước tính sơ bộ của Tổng cục Thống kê, GRDP tăng 6,53% (trong đó 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,96%). Bên cạnh đó, Chỉ số PCI của tỉnh cũng ngày càng nâng cao nhờ tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển trong môi trường kinh doanh thuận lợi.
Nói về sức hút đầu tư của tỉnh Cà Mau phải kể đến các chính sách ưu đãi thuế DN như: Gói thuế suất ưu đãi 10%/15 năm hoặc 17%/10 năm; miễn thuế 2 - 4 năm, giảm 50% trong 4 hoặc 9 năm tiếp theo,… tùy theo từng dự án và khu vực đầu tư sẽ có mức ưu đãi phù hợp. Song song đó, công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai khá toàn diện, đồng bộ qua các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư. Tỉnh tập trung thu hút đầu tư trong và ngoài nước có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ tiên tiến, dự án đầu tư xanh có giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng. Ưu tiên XTĐT liên ngành, liên vùng; tăng cường các hoạt động XTĐT kết hợp với xúc tiến thương mại, du lịch, ngoại giao kinh tế.
Đón đầu cơ hội đầu tư, nhiều DN lớn đã chọn Cà Mau là điểm đến, đặc biệt là các DN về thủy hải sản, điện gió và bất động sản. Hiện Cà Mau có trên 5.200 DN trong và ngoài nước đang sản xuất, kinh doanh, đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 63.800 tỷ đồng. Đa số các DN hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến thủy sản, nuôi trồng xuất khẩu thủy sản, khí - điện - đạm, du lịch,… Các mặt hàng thủy sản của Cà Mau đã có mặt trên 60 quốc gia (kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm trên 1.000 triệu USD), trong đó có những thị trường khó tính, như Nhật Bản, Mỹ và EU. Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất 800MW, trong đó: 170MW đã vận hành thương mại; 1.217 công trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 111MWp. Sản lượng phân bón hàng năm đạt trên 1 triệu tấn.
Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 460 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 147.000 tỷ đồng (trong đó có 11 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 161 triệu USD). Trong đó, có 50 dự án trong KCN, KKT, với vốn đăng ký 20.893 tỷ đồng (bao gồm 03 dự án FDI, vốn đăng ký 1.964 tỷ đồng; 01 dự án hạ tầng 538 tỷ đồng).
Nhằm tạo dựng niềm tin và sự hài lòng nơi người dân, DN, công cuộc cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Cà Mau đã có sự đổi mới ra sao?
Công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện cải cách hành chính (CCHC) được triển khai bài bản, bám sát thực tiễn, phát huy hiệu quả. Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được quan tâm, có nhiều đổi mới. Công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh; cải cách tổ chức bộ máy được thực hiện quyết liệt và có nhiều chuyển biến tích cực. Các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư đều được rút ngắn thời gian giải quyết từ 20% đến 30% so với thời gian quy định.
Có thể thấy, cải cách TTHC ở Cà Mau có sự khởi sắc, đổi mới, tinh gọn, nâng cao về chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính. Tỉnh thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết TTHC theo hướng nhanh gọn, rút ngắn thời gian trả kết quả, tạo được niềm tin và sự hài lòng của người dân, DN đối với hoạt động của bộ máy công vụ liên quan đến CCHC từ tỉnh đến cơ sở. Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2023 xếp thứ 22/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 36 hạng) với 67,65 điểm (tăng 6,05 điểm); xếp thứ 6/13 (tăng 6 bậc) trong các tỉnh, thành vùng ĐBSCL so với năm 2022; nằm trong Top 30 tỉnh, thành phố thuộc nhóm có chất lượng điều hành tốt trên bản đồ PCI cả nước. Kết quả PCI tỉnh Cà Mau năm 2023 cho thấy những nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và sự quyết tâm phấn đấu của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp được giao trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh Cà Mau trong năm vừa qua.
Giải ngân vốn đầu công được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu. Vậy Cà Mau đã có những nỗ lực thế nào nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, nhất là đối với các dự án trọng điểm?
Năm 2024, kế hoạch đầu tư công tỉnh Cà Mau được giao (bao gồm năm 2023 chuyển sang) là 5.228,3 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết 4.315,2 tỷ, còn lại 913,1 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết. Đến hết tháng 7/2024, kế hoạch đầu tư công năm 2024 (bao gồm năm 2023 chuyển sang) đã giải ngân đạt khoảng 35% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước theo báo cáo từ Bộ Tài chính (đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), nhưng giải ngân thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (giải ngân 1.837,479 tỷ đồng, bằng 38,2% kế hoạch).
Qua rà soát, tiến độ giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024 (bao gồm năm 2023 chuyển sang) đến nay còn chậm, chưa đạt yêu cầu tại Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 19/01/2024 của UBND tỉnh (đến hết quý II, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn phải đạt tối thiếu 50%). Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 19/01/2024, trong đó có giao nhiệm vụ, giải pháp cho thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, TP.Cà Mau cũng như các chủ đầu tư. Thực thi chế độ báo cáo tiến độ thực hiện, khó khăn, vướng mắc định kỳ hàng tuần, hàng tháng đối với các dự án, công trình được bố trí Kế hoạch đầu tư công năm 2024, đặc biệt là những dự án lớn, quan trọng của tỉnh, làm cơ sở để lãnh đạo tỉnh xem xét, chỉ đạo. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế, các cuộc họp do lãnh đạo tỉnh chủ trì để kịp thời nắm thông tin, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024. Kịp thời rà soát, tổng hợp, tham mưu cấp thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân để điều chuyển sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Song song đó, tỉnh cũng sẽ thường xuyên liên hệ, kịp thời có văn bản phối hợp với bộ, ngành Trung ương trong việc triển khai thủ tục đầu tư Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau, để sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở để tỉnh Cà Mau xem xét phê duyệt Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ mở rộng Cảng hàng không Cà Mau và phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn được giao, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh.
Ông có thể cho biết định hướng xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2025?
Chương trình XTĐT tập trung thực hiện định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, bám sát quan điểm chỉ đạo về định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó Chương trình XTĐT năm 2025 của tỉnh Cà Mau bám sát các định hướng cơ bản như: Tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Ưu tiên các hoạt động chuẩn bị yếu tố đầu vào nhằm thu hút các dự án công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ du lịch, khai thác dầu khí và logistics, năng lượng sạch, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các KCN, KKT tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án thứ cấp. Tổ chức XTĐT tại chỗ kết hợp đối thoại DN nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư. Chú trọng công tác nghiên cứu tình hình xu hướng đầu tư, thị trường và đối tác tiềm năng trong và ngoài nước để chủ động tiếp cận, kêu gọi đầu tư.
Phổ biến chính sách, điều kiện và môi trường đầu tư; cung cấp thông tin về các dự án mời gọi đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư đến các đối tượng là nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, thông qua các cơ quan thương vụ tại các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan thương vụ nước ngoài tại Việt Nam, qua các hội thảo, hội nghị, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng. Xây dựng cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường đầu tư để cung cấp khi nhà đầu tư có yêu cầu. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, đào tạo kỹ năng hoạt động XTĐT mang tính chuyên nghiệp cho cán bộ làm công tác XTĐT. Tham gia diễn đàn xúc tiến, hợp tác trên lĩnh vực đầu tư cấp khu vực, quốc gia và quốc tế; lựa chọn các nhà đầu tư năng lực tốt để trực tiếp mời gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm, quy mô lớn trong và ngoài KCN, KKT lĩnh vực công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ du lịch, khai thác dầu khí và logistics, năng lượng sạch, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các KCN, KKT.
Trân trọng cảm ơn ông!
Công Luận (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI