HÀ NỘI

Đông Anh xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh

10:15:41 | 25/9/2024

Nhờ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện các tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận, diện mạo các làng quê ở Đông Anh thay đổi nhanh chóng, nông thôn đã tiệm cận đô thị, hiện đại, văn minh.

Xứng đáng là lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội, trong những năm qua, huyện Đông Anh đã thực hiện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ở Đông Anh đã thay đổi toàn diện và rõ nét. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Dũng: huyện tập trung thực hiện các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như hỗ trợ xây, sửa chữa nhà hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ phân bón, thóc giống, bò giống, xe máy, xe đạp, miễn giảm học phí, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo. Đến nay, đã không còn hộ nghèo trên địa bàn huyện. Cùng với đó, Đông Anh đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, bảo tồn và phát huy tốt các bộ môn nghệ thuật cổ truyền; các thôn, làng đã xây dựng và hoàn thiện quy ước. Nhờ vậy, 153 trong tổng số 155 thôn, làng đã đạt chuẩn văn hóa.

Nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Để nâng cao thu nhập cho người dân, sản xuất nông nghiệp luôn được huyện quan tâm, đầu tư phát triển. Hằng năm, Đông Anh hỗ trợ từ 10-15 tỷ đồng cho nhà nông áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để hình thành các vùng, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao. Cơ cấu ngành nông nghiệp của Đông Anh đang chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trên địa bàn huyện hình thành nhiều mô hình chuyên canh, tập trung ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đông Anh hiện có các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được duy trì hiệu quả như: Vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng ở các xã Thụy Lâm, Liên Hà, Dục Tú, Việt Hùng với diện tích 800 ha; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Vân Nội, Tiên Dương, Nam Hồng, Bắc Hồng, Nguyên Khê, Cổ Loa, Tàm Xá với diện tích là 800 ha; vùng trồng hoa đào, quất cảnh, hoa ly, chậu hoa cảnh tại các xã Uy Nỗ, Tiên Dương, Tàm Xá, Vĩnh Ngọc với diện tích 200 ha; vùng sản xuất ngô tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc với diện tích 100 ha; vùng trồng cây ăn quả như chuối tiêu hồng, bưởi diễn ở các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Đại Mạch với diện tích là 100 ha. Ngoài ra, Đông Anh còn có mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn và hoa lan với diện tích là 7,23 ha; sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGAP, sản xuất hữu cơ với 20 ha ở các đơn vị như: HTX Khải Hưng, HTX Sông Hồng, HTX sản xuất và tiêu thụ RAT Bắc Hồng, HTX Ba Chữ, Công ty TNHH Hải Anh; 53 mô hình chăn nuôi quy mô lớn, đầu tư chuồng trại chăn nuôi hiện đại…

Dành nhiều nguồn lực cho Nông thôn mới

Ông  Nguyễn Anh Dũng chia sẻ, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới Đông Anh sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các xã đầu tư, thực hiện các tiêu chí còn thiếu, đồng thời nâng cao các tiêu chí đã đạt; tập trung nguồn lực thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị; …

 Huyện đã đề ra phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”, xác định xã nào đã có đầy đủ các điều kiện hoàn thành các tiêu chí NTM;  có nguồn lực từ ngân sách của huyện, của xã và nguồn huy động từ Nhân dân, thì xã đó sẽ triển khai thực hiện để được công nhận xã hoàn thành XDNTM và NTM nâng cao. Huyện đã tích hợp bộ tiêu chí huyện lên quận và bộ  tiêu chí NTM nâng cao với 12 nhóm tiêu chí, 36 chỉ tiêu cụ thể, nên sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Hơn nữa, huyện coi trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động tham gia XDNTM; quá trình thực hiện có sự kiểm tra sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ông Dũng nói.

Ông Trần Văn Bản ở thôn Lương Nỗ (xã Tiên Dương) chỉ tay về phía công viên trước nhà mình, vui vẻ nói: “Nơi đây trước là bãi đất trống, nhiều gia đình đã ra đây lấn chiếm và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Nước thải từ chuồng trại  đổ thẳng xuống hồ,  gây ô nhiễm môi trường,  những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, các gia đình xung quanh phải đóng kín cửa mà vẫn không ngăn được mùi. Bây giờ, nhờ có Chương trình XDNTM, khu đất trống đã thành  khu vui chơi, nơi sinh hoạt cộng đồng cho Nhân dân ở đây. Cả sáng và chiều, khu vực này trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng rất đông vui”.

Trưởng thôn Lương Nỗ Nguyễn Bá Huy cho biết, từ xã nông nghiệp còn nhiều khó khăn, khi  bắt tay XDNTM, Tiên Dương đã chuyển mình nhanh chóng, trở thành một trong những địa phương có cơ sở hạ tầng khá tốt, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Đánh giá về kết quả XDNTM nâng cao, kiểu mẫu của huyện Đông Anh, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội Ngọ Văn Ngôn nhấn mạnh, việc công nhận nhiều xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu là ghi nhận kết quả đạt được đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các xã. XDNTM để người dân được thụ hưởng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Dù các xã của huyện Đông Anh đang trên lộ trình trở thành phường, huyện thành quận nhưng vẫn triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình. Cũng nhờ tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng làm, thời gian qua, các địa phương đã chung sức XDNTM, kết quả đạt được rất đáng trân trọng.

Bảo Đan  (Vietnam Business Forum)