Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, huyện Phú Xuyên (TP.Hà Nội) đã có 218 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được UBND TP.Hà Nội công nhận. Đây đều là các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng gắn liền với truyền thống, văn hóa và bản sắc của địa phương. Việc này đang thúc đẩy làng nghề phát triển mạnh mẽ hơn và là động lực để huyện tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất tham gia chương trình.
Sản phẩm OCOP Phú Xuyên phát huy các giá trị làng nghề gắn với định hướng xuất khẩu
Sức sống từ các làng nghề có sản phẩm OCOP
Tại, làng mộc Đại Nghiệp, xã Tân Dân là một làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống có từ lâu đời nhất. Nhiều thế hệ thợ tài hoa của làng đã sản xuất đa dạng các sản phẩm đồ gỗ cao cấp như sập gụ, tủ chè, tủ thờ, khay, bàn, ghế... với những hoa văn, đường nét chạm trổ tinh vi, được chăm chút rất cẩn thận, tỷ mỉ. Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm đồ gỗ cao cấp chủ yếu là gỗ gụ, ngoài ra còn có gỗ hương và các loại gỗ mới nhập khẩu từ Nam Phi, Lào, Cam-pu-chia… Một số xưởng mộc trong làng Đại Nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại thay vì làm hoàn toàn thủ công từ công đoạn pha gỗ, tạo phôi đến chạm khắc hoàn thiện, phụ thuộc hoàn toàn vào sức lao động chân tay để hỗ trợ sản xuất.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Dân – ông Nguyễn Trung Hội: Hiện nay, làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đại Nghiệp là một trong những làng nghề phát triển nhất huyện Phú Xuyên. Đại Nghiệp có trên 600 hộ thì có đến hơn 80% số hộ làm nghề, thu hút hơn 1.000 lao động trực tiếp và nhiều hộ gia đình sản xuất vệ tinh quanh vùng. Với các mặt hàng đa dạng về chủng loại và mẫu mã, những sản phẩm gỗ của người dân Đại Nghiệp đã và đang chiếm lĩnh thị trường tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, những sản phẩm tinh xảo, chất lượng còn được xuất khẩu sang nước ngoài. Những năm gần đây, nhiều hộ sản xuất đã chuẩn hóa sản phẩm, tham gia đánh giá, phân hạng OCOP và được công nhận. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất và kinh doanh của các hộ tốt hơn trước; bản thân các hộ cũng được nâng cao hơn về kiến thức kinh doanh, tiếp cận thị trường.
Anh Phan Văn Túc ở thôn Đại Nghiệp chia sẻ, gia đình anh làm nghề mộc được hơn 20 năm, doanh thu trung bình mỗi năm đạt 3-4 tỷ đồng. Với chiến lược tập trung nâng cao chất lượng, xưởng sản xuất của gia đình anh vẫn đạt doanh thu như kỳ vọng dù có thời điểm kinh tế khó khăn do covid.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân chia sẻ: Phú Xuyên được mệnh danh là “đất trăm nghề” với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Khảm trai Chuyên Mỹ; may Vân Từ; đan cỏ tế Phú Túc, tò he Xuân La…Ngoài ra, còn có rất nhiều làng khác có nghề. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Chương trình OCOP, huyện đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ cá thể phát triển ý tưởng, đăng ký tham gia.
Nhiều sản phẩm da giày của huyện Phú Xuyên đã đạt tiêu chuẩn OCOP
Hỗ trợ tối đa cho chủ thể
Theo UBND huyện Phú Xuyên, Nhiều sản phẩm từ các làng nghề, làng có nghề trên địa bàn huyện đã được chứng nhận OCOP như: may comple Vân Từ, sản phẩm ống bút gỗ trắc khảm trai, khay trà gỗ trắc khảm ốc, bát dừa sơn mài khảm trai, tủ rượu gỗ, bộ bàn ghế chiện mỏ gỗ gụ, Bộ bàn thờ Nghinh phúc gỗ gõ, đũa gỗ trắc khảm ốc xà cừ… Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể tiếp tục được thành phố, huyện hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, hỗ trợ tem OCOP có gắn mã QR. Các chủ thể cũng được cung cấp thông tin và hỗ trợ tham gia các chương trình kết nối, trưng bày quảng bá sản phẩm do trung ương và thành phố tổ chức. Huyện cũng kết nối cho các chủ thể gặp gỡ các nhà bán lẻ là trung tâm thương mại, siêu thị để liên kết, đưa sản phẩm tới người tiêu dùng...
Theo Ông Nguyễn Ngọc Quang – Giám đốc công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Hà Nội đơn vị đã liên kết với một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn để thu mua bò và lợn thương phẩm phẩm về phục vụ chế biến thành sản phẩm giò, dăm bông, xúc xích, lạp sườn, thịt xông khói… các sản phẩm của công ty đều đã được chấm đạt 4 sao. Sau khi sản phẩm của công ty được chứng nhận OCOP, việc sản xuất duy trì ổn định và có tăng trưởng hơn về giá trị.
Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình OCOP ở Phú Xuyên cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp chưa thực sự mặn mà tham gia. Nguyên nhân do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính thời vụ, không đáp ứng được nhu cầu số lượng lớn và thường xuyên của thị trường; nhiều hộ sản xuất chưa thấy được lợi ích nên chưa tích cực, chủ động tham gia. Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thời gian tới, UBND huyện Phú Xuyên tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là Phòng Kinh tế phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia Chương trình OCOP.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết: huyện sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua công tác phối hợp tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm gắn với văn hóa vùng miền, hội chợ do thành phố tổ chức; tập trung phát triển các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề tạo điều kiện giúp các chủ thể không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm với các kênh phân phối truyền thống, sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, huyện thành lập đoàn liên ngành thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận về sự tuân thủ các quy định chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, sử dụng bao bì, tem, nhãn hàng hóa, bảo vệ môi trường và các quy định khác của Nhà nước có liên quan.
Đình Bảo (Vietnam Business Forum)
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội