HÀ NỘI

Song hành phát triển làng nghề và du lịch văn hóa

10:48:31 | 14/8/2024

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu qua các năm,... Các làng nghề đóng góp khoảng 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, có gần 200 làng nghề đạt doanh thu từ 10-50 tỷ đồng/năm, một số làng nghề đạt doanh thu từ 10.000-25.000 tỷ đồng/năm.

Nhằm tạo động lực cho làng nghề phát triển bền vững, TP Hà Nội đang xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhắc đền làng nghề truyền thống Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dát vàng quỳ bạc quỳ Kiêu Kỵ, dệt lụa Vạn Phúc, thêu ren Quất Động, mây tre đan Phú Vinh, sừng Thụy Ứng…; cùng những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng, như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Mê Linh… Sản phẩm truyền thống và nghề truyền thống được kết tinh từ sự tài hoa của những người thợ, từ truyền thống văn hóa từ ngàn đời nay.

Làng nghề Bát Tràng vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có của một nghề làm đẹp từ đất. Cả xã Bát Tràng có tới hơn 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 gia đình sản xuất, kinh doanh gốm sứ, trong đó, có 140 nghệ nhân và hàng ngàn thợ giỏi. Nghề gốm đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt bố trí không gian nghề gốm Bát Tràng xưa và nay. Đây là nơi hội tụ giá trị truyền thống của Bát Tràng 1.000 năm qua. Mỗi một gia đình, mỗi một nghệ nhân sẽ lựa chọn những sản phẩm, những hiện vật có câu chuyện, có ý nghĩa và có thể đối với họ là rất quý để giới thiệu tại Trung tâm nhằm cùng giao lưu cũng như trở thành mái nhà chung. Tại làng lụa Vạn Phúc cũng bắt đầu xuất hiện các khu sản xuất mở để du khách vào xem thực tế quá trình làm lụa thay vì chỉ sản xuất trong mỗi gia đình và đưa sản phẩm ra thị trường qua nhiều khâu trung gian như trước đây. Du khách được nhìn tận mắt, tận nơi, thấy được sự vất vả của người làm nghề làm lụa truyền thống, đấy là điều du khách rất thích.


Làng nghề gắn với du lịch sẽ giúp kiến tạo môi trường triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn

Từ những kết quả đã đạt được, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội”. Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở NN-PTNT Hà Nội đang tham mưu Đề án tổng thể phát triển làng nghề TP Hà Nội với một số mục tiêu chính gồm phát triển kinh tế đa giá trị, thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch văn hoá nông nghiệp, nông thôn; tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn; bảo tồn giá trị truyền thống làng nghề. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là giải quyết bài toán liên kết vùng nguyên liệu còn đang khó khăn của Hà Nội, tiến tới kết nối vùng nguyên liệu đảm bảo nguồn cung ổn định để làng nghề phát triển bền vững. Hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất đáp ứng tổ chức sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển du lịch.Đề án còn đề ra những nghề cần gắn với làng để phát triển gắn với du lịch; những nghề gây ô nhiễm môi trường cần phải có lộ trình di dời vào khu, cụm, điểm công nghiệp tập trung.

Ngoài ra, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các hoạt động đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo bước đột phá, tạo sản phẩm khác biệt để gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề.

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội  cho biết, tháng 4/2024, Sở Du lịch đã phối hợp UBND các huyện trên địa bàn thành phố công bố tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội – Điểm về nguồn cội”.Giai đoạn 2024 - 2025, Sở Du lịch tiếp tục hoàn thiện sản phẩm đặc thù gắn với các giá trị của di sản, di tích và làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên. Nhằm nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch, Sở sẽ tổ chức các hội nghị nâng cao chất lượng điểm đến du lịch gắn với các giá trị di sản, di tích, làng nghề; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc thành lập các Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch sẽ giúp kiến tạo môi trường triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó sẽ nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thành phố Hà Nội phấn đấu mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể là nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh và doanh nghiệp; hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% người dân, cán bộ quản lý du lịch nông nghiệp tại địa phương.

Ngọc Đan (Vietnam Business Forum)

Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội