Về tình hình triển khai, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 trong giai đoạn 2021-2024, UBND TP. Hà Nội cho biết, tổng nguồn kế hoạch 5 năm của toàn Thành phố đến nay là trên 340.150 tỷ đồng (cấp Thành phố trên 254.310 tỷ đồng; cấp huyện là trên 85.830 tỷ đồng).
Các nhiệm vụ và dự án cấp Thành phố về kế hoạch đầu tư công trung hạn là 200.768 tỷ đồng; đã bố trí kế hoạch hàng năm từ năm 2021-2024 là trên 105.260 tỷ đồng, còn phải bố trí và giải ngân kế hoạch vốn từ nay đến hết năm 2025 là trên 95.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, tổng kế hoạch vốn trung hạn của 65 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư và 178 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt dự án là 35.949 tỷ đồng, chiếm 18% kế hoạch trung hạn cho các nhiệm vụ, dự án cấp Thành phố.
Nguyên nhân là các dự án này đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa đủ điều kiện bố trí vốn hàng năm. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư hiện còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, rà soát lại quy mô để tránh chồng lấn dự án... Nhiều dự án không báo cáo khó khăn, vướng mắc nhưng dự kiến tiến độ hoàn thiện thủ tục còn chậm do phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, vướng mắc về chỉ giới đường đỏ, khó khăn về đánh giá tác động môi trường... Một số dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2021, 2022, đầu năm 2023 nhưng dự kiến quý III, IV/2024 mới phê duyệt được dự án.
Đánh giá của UBND TP. Hà Nội cho thấy, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm chậm, kế hoạch vốn còn phải bố trí lớn. Cụ thể là trên 31.830 tỷ đồng; bằng 64% kế hoạch vốn bố trí cho giai đoạn 2021- 2024 là 49.822 tỷ đồng.
Thành phố có 42 dự án công trình trọng điểm, gồm 35 dự án sử dụng nguồn vốn NSNN; 1 dự án sử dụng vốn PPP; 6 dự án sử dụng nguồn xã hội hóa. Đến nay, với 35 dự án sử dụng vốn NSNN có 1 dự án đã hoàn thành (cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2); 16 dự án đang triển khai thực hiện; 12 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt dự án; 6 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Đối với 6 dự án xã hội hóa, hiện có 1 dự án (Khu công nghiệp Sóc Sơn) đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; 3 dự án đã được UBND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư; 1 dự án (Nhà hát Opera và Khu văn hóa đa năng Quảng An) đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư; 1 dự án (Xây dựng hạ tầng Khu công viên phần mềm) chưa có hồ sơ đề xuất.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các đơn vị liên quan thúc đẩy triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của thành phố.
Theo đó, các sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư tập trung triển khai 5 chuyên đề với các các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy giải nhân vốn đầu tư công.
Chuyên đề 1 tập trung đẩy nhanh công tác hoàn thiện các thủ tục đầu tư để đảm bảo điều kiện bố trí kế hoạch vốn. Đối với 65 dự án chưa phê chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu UBND Thành phố giao nhiệm vụ tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Sau kỳ họp HĐND Thành phố tháng 7/2024, các dự án chưa phê chủ trương đầu tư, xem xét chỉ làm công tác lập, trình và phê duyệt chủ trương đầu tư để thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Đối với 178 dự án đã phê chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt dự án, các cơ quan ngành dọc và các Sở chuyên ngành được giao đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư, đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng tiến độ.
Chuyên đề 2 tập trung vào đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, quyết liệt triển khai các dự án trong từng ngành, lĩnh vực. Theo đó, lãnh đạo UBND Thành phố phụ trách các khối tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công trình trọng điểm, các dự án thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; các đơn vị chịu trách nhiệm về việc không thực hiện theo tiến độ, dẫn đến dư vốn, không giải ngân hết kế hoạch vốn trung hạn và năm 2024. Đẩy nhanh tiến độ thưc hiện dự án để sớm hoàn thành các dự án đưa vào khai thác, sử dụng.
Chuyên đề 3 tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp tình hình thực hiện, kết quả giải ngân và khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, báo cáo tham mưu UBND Thành phố định kỳ hàng quý tổ chức giao ban xây dựng cơ bản.
Còn chuyên đề 4 sẽ đánh giá tổng thể tình hình thực hiện, khả năng giải ngân vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, năm 2024, 2025 để tham mưu điều chỉnh, điều hành Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021- 2025 cấp Thành phố, báo cáo Thành ủy và trình HĐND Thành phố tại kỳ họp tháng 7/2024.
Chuyên đề 5 tập trung vào định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2026-2030. Theo đó, các chủ đầu tư, đơn vị liên quan rà soát toàn bộ nhiệm vụ, dự án chuyển tiếp sang Kế hoạch giai đoạn 2026-2030. Việc rà soát bao gồm có dự án đang triển khai thực hiện; dự án phê chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án; dự án được dự kiến nguồn vốn nhưng chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư; đặc biệt rà soát các dự án có nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất định hướng phát triển của ngành trong giai đoạn 2026. Đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố tại kỳ họp tháng 7/2024 để cân đối nguồn lực thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2026-2030.
Nguồn: chinhphu.vn
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI