Nhằm cải thiện rõ nét môi trường đầu tư, kinh doanh, TP.Hà Nội đang tập trung nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số xanh (PGI). Song song với đó, xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội gắn với xây dựng Luật Thủ đô để phát triển Hà Nội xứng tầm là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước. Xung quanh nội dung này, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Sỹ Thanh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của TP.Hà Nội đạt 66,74 điểm (giảm 1,86 điểm so với năm 2021), xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (giảm 10 bậc so với năm 2021) và trong Bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu tiên được VCCI công bố, Hà Nội đạt 12,52 điểm, xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố. Trước các kết quả này, Hà Nội đã có những nỗ lực và quyết tâm bứt phá vươn lên như thế nào?
Với mục tiêu nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI và Chỉ số PGI so với năm 2022, TP.Hà Nội đã tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục thông qua việc ban hành Kế hoạch 167/KH-UBND ngày 07/6/2023 về nâng cao Chỉ số PCI và Chỉ số PGI năm 2023.
Thành phố khẳng định sự quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, với phương châm “Xây dựng chính quyền phục vụ - lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), giảm thiểu thời gian, chi phí tham gia và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư; nỗ lực đi đầu cả nước trong xây dựng chính quyền điện tử, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và thành phố thông minh,… Thành phố đã triển khai cấp miễn phí gần 39.000 chữ ký số cho công dân Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), giao dịch điện tử nhằm nâng cao chất lượng phục vụ công dân trong giải quyết TTHC.
Nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP.Hà Nội. UBND Thành phố đã ban hành và thực hiện Kế hoạch CCHC năm 2023; thành lập Ban Chỉ đạo CCHC, chuyển đổi số TP.Hà Nội; đẩy mạnh thực hiện chủ đề công tác năm 2023 theo tinh thần 3 “rõ”: Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ. Ngoài ra, Thành phố đã tập trung thực hiện việc xây dựng, ban hành các quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài phạm vi TTHC); đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền TTHC đối với các cơ quan hành chính thuộc Thành phố nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân.
Bên cạnh đó, Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) để đưa vào triển khai trong năm 2024 nhằm tạo động lực cải thiện chất lượng giải quyết các TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn.
Bước đầu, năm 2023, môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố có sự chuyển biến đáng ghi nhận thông qua việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (GRDP của Hà Nội năm 2023 tăng 6,27%, gấp 1,24 lần cả nước; thu hút FDI đứng top đầu cả nước). Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, hoạt động xuất nhập khẩu bị thu hẹp, kinh tế trong nước nói chung, Hà Nội nói riêng cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư luôn là định hướng trọng tâm của Thành phố để tạo nguồn lực từ thu hút đầu tư phát triển, đặc biệt là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06/CP trên địa bàn
Ông có thể cho biết đâu là những điểm nhấn quan trọng của Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050?
Việc tổ chức lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030,
tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nội dung quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 -NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Quy hoạch Thủ đô sau khi được phê duyệt sẽ là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của Thành phố sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển. Đây cũng là cơ sở để xây dựng, triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), đầu tư trên địa bàn Thủ đô, đảm bảo tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển KT - XH đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch Thủ đô nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH nhanh, bền vững.
Đồng thời, Quy hoạch đề xuất được phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn được các phương án tổ chức, phát triển hoạt động KT - XH có hiệu quả, là cơ sở cho việc đề xuất: Phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực; phương án tổ chức phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu,... Xây dựng được phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện đáp ứng cao nhất nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển KT - XH, văn hóa của từng khu vực và khả năng kết nối đồng bộ, tổng thể trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, cũng như vị thế là trung tâm đầu não của cả nước.
Cùng với đó, xây dựng được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch thống nhất hệ thống thông tin quốc gia về quy hoạch đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của Thành phố, vùng và quốc gia. Là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống và làm việc có thể kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch của Thành phố.
Ngoài ra, Quy hoạch cũng xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: (1) Văn hóa và di sản; (2) Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; (3) Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giao thông hiện đại; (4) Xã hội số, đô thị thông minh; (5) Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - việc làm.
Hơn nữa, Quy hoạch còn xác định 4 đột phá phát triển, bao gồm: (1) Đột phá về thể chế và quản trị; (2) Đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; (3) Đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; (4) Đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.
Như vậy, Quy hoạch Thủ đô với những điểm nhấn quan trọng sẽ góp phần xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm, động lực phát triển vùng và cả nước, theo đúng tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.
Vậy khi Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành sẽ tạo tính chủ động và là đòn bẩy cho sự bứt phá của Thành phố trong giai đoạn tới, đặc biệt đối với năm 2024 như thế nào?
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Theo đó, Thành phố đã phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện tổng kết, đánh giá việc triển khai Luật Thủ đô. Trải qua hơn 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong nhiều lĩnh vực do pháp luật về Thủ đô chưa đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách. Một số quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể. Mặt khác, sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực, nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề,…
Hơn nữa, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Trong đó, tập trung vào 09 nhóm chính sách, bao gồm: (1) Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; 2) Thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; (3) Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; (4) Phát triển đô thị và hạ tầng giao thông của Thủ đô; (5) Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; (6) Phát triển văn hóa và giáo dục - đào tạo Thủ đô; (7) Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; (8) Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; (9) Liên kết, phát triển vùng.
Luật Thủ đô sửa đổi với những quy định mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế sẽ góp phần phát huy thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô Hà Nội phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực theo mục tiêu Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đề ra.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thành (Vietnam Business Forum)