Để cụ thể hóa Đề án thành lập quận Gia Lâm đã được HĐND Thành phố Hà Nội thông qua, huyện Gia Lâm đã và đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nhằm nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và chỉnh trang đô thị.
Trung tâm Hành chính, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Gia Lâm khánh thành và đi vào sử dụng từ năm 2022
Ông Nguyễn Văn Hân, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm (viết tắt là Ban) cho biết: Năm 2023, Ban được giao triển khai, thực hiện 335 dự án với dự toán chi ngân sách là 1.404 tỷ đồng (gồm vốn phân bổ của thành phố và nguồn vốn ngân sách huyện).
Trong đó, tổng số công trình xây dựng giao thông trục chính, ngõ xóm, chỉnh trang đô thị được triển khai thi công là 41 dự án (gồm 30 dự án chuyển tiếp từ các năm trước sang và 11 dự án triển khai thi công mới). Đặc biệt, Ban đã triển khai thi công một số tuyến đường khung của huyện; các dự án cải tạo đường dân sinh trên địa bàn các xã, thị trấn,… Qua đó từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần xây dựng Gia Lâm trở thành quận. Ban phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành đầu tư 07 tuyến đường giao thông khung của giai đoạn 2016 - 2020 chuyển sang; các dự án khớp nối hạ tầng khung còn lại để giai đoạn 2026 - 2030 triển khai thi công và hoàn thành, bàn giao công trình.
Bên cạnh đó, Ban cũng tập trung triển khai các dự án thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Trong đó, đẩy nhanh thực hiện các công trình xây dựng trường học phục vụ ra mắt các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Năm 2023, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, Ban thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý dự án và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Nhờ chủ động tháo gỡ khó khăn, Ban đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tính đến ngày 31/12/2023, Ban đã thực hiện giải ngân đạt 1.019 tỷ đồng.
Cụ thể như: Đánh giá vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dự án đối với từng nhóm vấn đề về công tác giải phóng mặt bằng; tổ chức thực hiện tham mưu, đề xuất UBND huyện chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết các nội dung thuộc trách nhiệm của đơn vị. Thường xuyên chỉ đạo các cán bộ bám sát hiện trường, tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần để nắm bắt các nội dung vướng mắc, tiên lượng và thông báo các chỉ đạo, kết luận của lãnh đạo UBND huyện; tổ chức hoàn thiện các thủ tục liên quan cũng như hiện trường, giải ngân ngay cho nhà thầu khi có đủ điều kiện để các nhà thầu huy động nhân, vật lực thi công. Đồng thời ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc thường xuyên, liên tục để báo cáo, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết tại các buổi giao ban, kiểm điểm tiến độ do UBND huyện, thành phố tổ chức tại trụ sở cũng như hiện trường.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban thường xuyên nắm bắt, động viên các nhà thầu khắc phục khó khăn, tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công những vị trí đã có mặt bằng. Thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để bàn giao mặt bằng thi công các dự án. Đơn vị tập trung phối hợp với các phòng, ban, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, công khai cơ chế chính sách và lợi ích của dự án để nhân dân hiểu, đồng thuận, chấp hành việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo quy định.
“Ban sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý dự án đầu tư, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên địa bàn. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả theo kế hoạch đề ra, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ở mức cao nhất”, Phó Giám đốc Ban Nguyễn Văn Hân nhấn mạnh.
Hương Giang (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI