Cùng với tăng cường cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ngành Tài nguyên và môi trường (TN&MT) TP.Hà Nội còn tích cực tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai. Đây là yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn (thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) góp phần giải quyết rác thải rắn trên địa bàn Hà Nội
Tăng cường cải cách TTHC
Ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.Hà Nội cho biết, xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thời gian qua, Sở TN&MT luôn quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN).
Định kỳ hàng năm, Sở đều tổ chức rà soát, thống kê văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực TN&MT, đề xuất giải pháp chỉnh sửa cho phù hợp. Việc cải cách hành chính được thực hiện tại từng phòng, đơn vị trực thuộc với mục tiêu 3 giảm: Giảm thời gian, giảm thủ tục và giảm chi phí. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở đã rà soát, tham mưu, trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành 8 Quyết định về công bố danh mục TTHC; 01 Quyết định về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, trong đó cắt giảm thời gian giải quyết đối với 08 TTHC lĩnh vực TN&MT,…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện nay 100% hồ sơ, văn bản của Sở được ký số và gửi, nhận trên hệ thống điều hành và quản lý văn bản điện tử Thành phố. Sở đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT xây dựng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Tổ chức tập huấn sử dụng Hệ thống cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở và đưa vào vận hành chính thức từ ngày 25/11/2023, đến nay đã tiếp nhận và giải quyết trên 5.000 hồ sơ.
Cùng với đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người lao động chuyên nghiệp, hiện đại. Thực hiện niêm yết công khai số điện thoại, địa chỉ, email tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, đảm bảo phục vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, DN.
Thực tế cho thấy, các quy định, TTHC liên quan đến đất đai ngày càng nhiều trong khi nguồn nhân lực của ngành còn hạn chế; hạ tầng số hóa giải quyết hồ sơ trực tuyến cũng chưa thực sự đồng bộ. Trung bình mỗi năm Sở TN&MT thực hiện tiếp nhận và giải quyết trên 0,5 triệu hồ sơ, tương đương bình quân mỗi tháng trên 40.000 hồ sơ. Khối lượng công việc ngày càng tăng, trong khi số lượng biên chế không tăng, vì vậy áp lực dành cho cán bộ, công chức, viên chức của ngành là rất lớn.
“Vì vậy bên cạnh tiếp tục nỗ lực, tạo thuận lợi cho người dân, DN, chúng tôi cũng mong các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tích cực nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về lĩnh vực đất đai, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện các thủ tục về đất đai. Thông qua đó, cùng ngành xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh nói riêng và thu hút đầu tư nói chung”, ông Nguyễn Minh Tấn chia sẻ.
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, giúp nhà đầu tư triển khai dự án hiệu quả và cải thiện Chỉ số “Tiếp cận đất đai”. Trong ảnh: Lễ khởi công nhóm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật 4 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh
Tháo điểm nghẽn về Tiếp cận đất đai
Năm 2022, Chỉ số “Tiếp cận đất đai” của Hà Nội đạt 6,21 điểm, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố (giảm 0,79 điểm và 09 bậc so với năm 2021). Để cải thiện chỉ số này, Sở TN&MT TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 4682/KH-STNMT-VP ngày 26/6/2023 về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, với mục tiêu cải thiện rõ nét môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao thứ hạng PCI của Thành phố.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch sử dụng đất Thành phố giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất; hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Thực hiện việc rút ngắn thời gian xử lý xác định giá đất thực tế khi Nhà nước giao đất; tham mưu xây dựng khung giá đất sát với giá thực tế.
Rà soát, thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Tăng cường công khai thông tin về đất đai trên cổng thông tin điện tử của Sở và các trang mạng xã hội facebook, zalo,... để người dân, tổ chức dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.
Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 4682/KH-STNMT-VP ngày 26/6/2023, Sở TN&MT TP.Hà Nội đã xây dựng Đề án phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật kết hợp quy hoạch 04 sông nội đô (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí để trình UBND thành phố ban hành,...
Nhằm đảm bảo sự tuân thủ trong công tác bảo vệ môi trường, năm 2023, Sở đã thành lập 32 đoàn thanh tra chuyên ngành về TN&MT; qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã ban hành 23 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với số tiền xử phạt là 2.331.238.642 đồng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở đã chủ trì xây dựng Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và triển khai thí điểm tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm từ ngày 01/01/2024 đến quý I năm 2025. Sau thời gian thí điểm, các bên sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết tiến hành nhân rộng trên toàn thành phố từ năm 2026.
Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo UBND Thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong việc thực hiện các công trình phục vụ bảo vệ môi trường như: Nhà máy điện rác Sóc Sơn do Công ty Cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội là nhà đầu tư; Nhà máy điện rác Seraphin do Công ty cổ phần công nghệ môi trường xanh Seraphin là nhà đầu tư;…
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các tiêu chí thành phần, nhằm cải thiện Chỉ số PGI, PCI, phấn đấu thứ bậc sẽ được cải thiện trong những năm tiếp theo.
Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI