Trong những năm qua, cùng với việc lưu giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn TP.Hà Nội đã tạo động lực quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tích cực, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, nhiều làng nghề hiện đang gặp khó khăn do thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực trẻ và lao động có tay nghề cao. Đây thực sự là bài toán nan giải với nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.
Hà Nội là Thủ đô, trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, còn là “nôi nghề” của cả nước, nơi tinh hoa bốn phương hội tụ. Hiện TP Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước và cũng là nơi có nhiều “tổ nghề” của nhiều làng nghề trong cả nước. Các làng nghề ở Hà Nội đã sản xuất rất nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, văn hóa. Nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nội có giá trị đặc biệt, được công nhận là bảo vật của quốc gia. Đặc biệt, từ rất sớm, Hà Nội là nơi hội tụ rất nhiều nghề thủ công truyền thống của cả nước. Ví như, nhắc tới phố Hàng Bạc là nhắc tới nghề chạm bạc, hay như với làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nón Chuông…..
Các làng có nghề phát triển đã tạo nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân, không chỉ người trong độ tuổi lao động có việc mà ngay cả người già, người khuyết tật... cũng có việc làm phù hợp để có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình. Hiện Hà Nội có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông
Theo Công ty TNHH may Phú Thành Phát (Vân Từ, Phú Xuyên), địa phương này có làng nghề duy nhất trên cả nước có nghề may comple, veston truyền thống. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chính của ngành nghề đang là những nhân lực già, là nông dân, không được đào tạo bài bản, mang tính chất “cha truyền con nối”. Nguồn nhân lực trình độ cao còn hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu của ngành nghề. Do đó, doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề để nâng cao kỹ thuật, tay nghề, khuyến khích người dân tham gia học tập và tham gia sản xuất, làm nghề thủ công truyền thống.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, công tác giáo dục nghề nghiệp thủ đô nói chung, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng luôn coi là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu của TP Hà Nội. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 312 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm 66 trường cao đẳng, 58 trường trung cấp, 37 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 18 trung tâm giáo dục thường xuyên và 133 doanh nghiệp, các loại hình khác).
Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, lớp lao động trẻ và lao động có tay nghề cao đóng vai trò rất quan trọng trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới công nghệ trong làng nghề để vừa bảo tồn và phát huy các sản phẩm truyền thống của địa phương, vừa nâng cao chất lượng, độ đa dạng và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Chính vì vậy, bên cạnh việc khơi thông thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập thì việc thu hút lao động trẻ sung sức, lao động có kỹ năng cao, chú trọng khâu đào tạo nghề cho lớp thanh niên và đội ngũ lao động làng nghề đóng vai trò then chốt, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán thiếu hụt nhân lực, giúp làng nghề phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Theo Kế hoạch của UBND TP, giải pháp cho công tác đào tạo nguồn nhân lực là thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề theo Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường liên kết giữa các trường, các trung tâm và các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề tham gia đào tạo nghề. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo kiến thức về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, tổ chức sản xuất, quản lý doanh nghiệp cho chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề; mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại cơ sở sản xuất, làng nghề
Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh tôn vinh nghệ nhân và có cơ chế chính sách hỗ trợ để duy trì phát triển đội ngũ nghệ nhân, khích lệ động viên các nghệ nhân tham gia thúc đẩy công tác đào tạo nghề, truyền nghề; tổ chức các Hội chợ làng nghề, hội thi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ... để tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi nhằm duy trì, bảo tồn phát triển nghề, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị. Tổ chức phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân và các sản phẩm làng nghề tiêu biểu. Đồng thời, rà soát, ban hành chính sách, quy trình để phong tặng danh hiệu nghệ nhân, làm cơ sở để đề xuất phong tặng danh hiệu nghệ nhân Ưu tú, nghệ nhân Nhân dân.
Hàng năm, căn cứ theo Kế hoạch mà UBND TP đã ban hành, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ triển khai từ một đến hai lớp bồi dưỡng kiến thức cho trưởng các làng nghề trên địa bàn tỉnh trên cơ sở lựa chọn các nội dung tập huấn phù hợp, đảm bảo các trưởng làng nghề được tiếp cận các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Cùng với đó, Chi cục cũng sẽ đẩy mạnh bồi dưỡng những nội dung, kiến thức về vấn đề môi trường làng nghề và các vấn đề liên quan đến xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, nhãn hiệu, logo… giúp tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm của làng nghề, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo chế độ để người lao động yên tâm gắn bó với làng nghề, sẵn sàng tiếp nối nghề truyền thống ở địa phương.
Đình Bảo (Vietnam Business Forum)
Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI