Xây dựng nông thôn mới của TP.Hà Nội không chỉ mang lại diện mạo mới văn minh, hiện đại cho khu vực nông thôn của Thủ đô mà còn đi vào chiều sâu nhằm làm thay đổi đời sống nông dân.
Phát triển sản phẩm OCOP đúng trọng tâm
Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hà Nội, trong những tháng tháng đầu năm 2024, các địa phương tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn ban phát triển sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù cấp huyện; đồng thời kiện toàn hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện để quản lý, điều hành công việc cùng tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP định kỳ hàng năm.
Song song, các địa phương tích cực hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP mới và nâng hạng sản phẩm OCOP, xây dựng hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp quảng bá du lịch gắn với quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Từ năm 2022, Hà Nội đã có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao là Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, huyện Gia Lâm và Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín. Đối với dự án mô hình thí điểm phát triển 2 điểm đến gồm làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng, phấn đấu xây dựng thành 2 sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn thuộc chương trình OCOP hiện đang rà soát, điều chỉnh vị trí và phương án thiết kế một số công trình theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội
Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, điểm du lịch đã được TP. Hà Nội xác định là một trong những mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp.
Giai đoạn 2023 – 2025, Hà Nội ưu tiên phát triển những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao. Đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Trong định hướng chung đó, sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch sẽ tiếp tục được Hà Nội quan tâm đầu tư, phát triển xứng tầm trong thời gian tới. ông Nguyễn Xuân Đại cho hay.
Xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Hà Nội gắn với tiến trình đô thị hóa
Dồn sức về đích nông thôn mới
Tính đến tháng 7-2024, trong tổng số 33 chỉ tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU, Hà Nội đã có 12 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch của cả giai đoạn 2021-2025; dự kiến đến hết năm 2024 có thêm 14 chỉ tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành. Hiện tại, toàn bộ 382/382 xã của thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (vượt chỉ tiêu Chương trình số 04-CTr/TU đề ra) và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (theo kế hoạch của thành phố, năm 2024 có thêm ít nhất 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, như vậy, đến cuối năm 2024 số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu sẽ vượt chỉ tiêu của chương trình đặt ra là 80 xã).
Hiện tại, có 4 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức đã hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao trình Bộ NN&PTNT, phấn đấu trong tháng 8-2024 được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Ngoài ra, có 3 huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Đan Phượng đang hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao và trình thành phố trong tháng 8-2024.
Diện mạo nông thôn Hà Nội đổi thay tích cực
Bên cạnh đó, hệ thống các cụm, điểm, khu công nghiệp gia tăng nhanh chóng đã giúp người dân nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định. Chưa kể, phát triển kinh tế nông nghiệp cũng đang có những thay đổi đáng kể từ trong nhận thức của nông dân. Đó là quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã, đang gắn chặt hơn với xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với những thành tựu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường.
Những thành quả đáng tự hào kể trên đã góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn theo hướng bền vững. Đến nay, thành phố chỉ còn 676 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,03%; trong đó, 7/18 huyện, thị xã không có hộ nghèo là: Sơn Tây, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì.
Phát huy những thành quả đã đạt được, Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu về đích trước 1 năm đối với các mục tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU. Cụ thể là được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có thêm ít nhất 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Cùng với các mục tiêu quan trọng này là chỉ tiêu phấn đấu đưa thu nhập của người dân nông thôn năm 2024 đạt 75 triệu đồng/người/năm (năm 2023 đạt 66 triệu đồng); giảm hộ nghèo; phát triển thêm nhiều sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Để hiện thực hóa các nhiệm vụ là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chủ động, linh hoạt, làm đâu chắc đấy đối với từng mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, các huyện, thị xã cần chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để triển khai thực hiện, bảo đảm mục tiêu đề ra. Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng về xây dựng nông thôn mới và duy trì, nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.Và trên hết là phải tạo ra phong trào liên tục, thường xuyên, bền bỉ trong khu vực nông thôn Thủ đô, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội