KHÁNH HOÀ

Khánh Hòa: Cam kết tạo cơ chế tốt nhất để đón “đại bàng” về làm tổ

08:52:46 | 7/10/2024

Có thể nói, Khánh Hòa là một hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam với đầy đủ đồng bằng, miền núi, biển và hải đảo. Để biến tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển, tỉnh luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng những chính sách ưu đãi và các điều kiện thuận lợi nhất. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung này. 

Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật tỉnh đã đạt được trong những tháng đầu năm 2024?

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa trong những tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 và đạt nhiều kết quả tích cực trên từng lĩnh vực. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp địa phương tăng 45,01% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 74.453,3 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.268,9 triệu USD, tăng 25,88% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch đạt 33.108 tỷ đồng, tăng 73,9% so với cùng kỳ năm trước, với hơn 2,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,78 lần so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước đạt 13.367 tỷ đồng, bằng 80,1% dự toán và tăng 47,7% so với cùng kỳ năm trước; riêng thu nội địa là 11.363,9 tỷ đồng, bằng 77,8% dự toán và tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tỉnh cũng đã hoàn thành công tác lập và được cấp thẩm quyền phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2040, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Diên Khánh đến năm 2040; có 04/19 quy hoạch phân khu tại Khu kinh tế Vân Phong đã được UBND tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ. Nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư đã được UBND tỉnh quan tâm tổ chức thành công, mở ra nhiều kỳ vọng tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc triển khai Nghị quyết 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa còn một số khó khăn, vướng mắc. Phải kể đến như chính sách phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công vẫn chưa được cụ thể hóa,… Đồng thời, một số cơ chế, chính sách khác đến nay chưa phát sinh hồ sơ để được áp dụng, bao gồm cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư trong nước trong khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 06 hải lý; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, địa phương sẽ từng bước hoàn thiện những chính sách này, hướng đến thực hiện thành công những mục tiêu đề ra.

Đến năm 2050, Khánh Hòa phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển lớn cả nước, vậy tỉnh cần bám sát những mục tiêu quan trọng nào?

Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2050, Khánh Hòa trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, trong đó tập trung các nhiệm vụ về phát triển kinh tế biển. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội. Triển khai hiệu quả Đề án Thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phát triển nuôi biển tỉnh Khánh Hòa theo hướng công nghiệp, phấn đấu trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, hiện đại, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Thành lập và phát huy hiệu quả Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương với cơ chế đặc thù về hợp tác công - tư, nhằm đẩy nhanh tiến trình ứng dụng chuyển giao công nghệ đại dương phục vụ phát triển kinh tế biển và mục tiêu lưỡng dụng.


UBND tỉnh Khánh Hòa (do ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa dẫn đoàn) chủ trì phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Khánh Hòa - Hàn Quốc tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/9/2024

Thời gian qua, Khánh Hòa cũng đạt kết quả ấn tượng trong công tác cải cách hành chính (CCHC), góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ông có thể chia sẻ cụ thể thêm về điều này?

Công tác CCHC luôn được Đảng bộ, chính quyền tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhất là việc quán triệt mạnh mẽ Kết luận số 91-KL/TU về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trách nhiệm của người đứng đầu, nhận thức, ý thức trách nhiệm trong tổ chức thực hiện CCHC của cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan, đơn vị, địa phương vì thế tiếp tục được nâng lên. Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh được thành lập, bước đầu phát huy hiệu quả. Các chỉ số đánh giá PAR Index, SIPAS, PAPI của tỉnh được cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng qua từng năm.

Có được thành công này là nhờ địa phương luôn bám sát những định hướng quan trọng. Đó là tích cực đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống quy định, chính sách quản lý trên các lĩnh vực, tạo môi trường thật sự thông thoáng, minh bạch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hội nhập kinh tế. Chủ động rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính đúng theo quy định; giảm bớt các thủ tục phức tạp và không cần thiết, tạo ra môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tăng cường tính minh bạch, cải thiện tốc độ và chất lượng dịch vụ công, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện để cán bộ, công chức phát huy trình độ, năng lực và sức sáng tạo. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số, tích cực xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; tăng cường bảo mật, an toàn, an ninh mạng trong việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Xây dựng tốt cơ chế và kênh thông tin để tăng cường sự tương tác, tham gia của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình đưa ra quyết định, đề xuất ý kiến và đưa ra phản hồi về hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Nhằm tạo cơ chế tốt nhất để đón “đại bàng” về làm tổ, Khánh Hòa thực hiện những định hướng, giải pháp nào, thưa ông?

Những năm tới, Khánh Hòa sẽ còn tạo ra nhiều cơ chế tốt nhất để “đại bàng” về làm tổ. Để làm được điều này, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm quốc gia và mang tính kết nối liên vùng. Đầu tư cho những khu vực, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, nhưng cũng phải quan tâm những khu vực còn khó khăn để tạo sự phát triển đồng đều hơn, tránh sự chênh lệch quá xa giữa thành phố với nông thôn, miền núi. Phấn đấu CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thuộc Top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo niềm tin cho các nhà đầu tư; có chiến lược thu hút đầu tư phù hợp với từng thị trường và từng lĩnh vực.

Trong định hướng phát triển, Khánh Hòa cam kết luôn đồng hành giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, gặt hái thành công.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Lâm  (Vietnam Business Forum)