Với định hướng trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước, Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chú trọng đến phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và coi đây là giải pháp quan trọng để tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ
Hiện tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất CNHT; hơn 70 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn lớn; 4 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy hoàn chỉnh là Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH xe buýt Deawoo Việt Nam, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam - đây là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp ngành CNHT cơ khí, chế tạo nói chung và ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy nói riêng phát triển. Sự phát triển của CNHT đã đưa ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc luôn duy trì trong nhóm 15/63 tỉnh, thành phố có đóng góp cao nhất trong tổng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp cả nước. Trong đó, quy mô giá trị tăng thêm ngành xe máy đứng số 1 cả nước; linh kiện điện tử đứng thứ 6 sau Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Cosmos - một trong những nhà cung cấp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí chính xác
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2001 trên diện tích hơn 16 ha tại Khu công nghiệp Khai Quang, Công ty TNHH Chính xác Việt Nam 1 (VPIC1) là một trong những nhà đầu tư có nhiều thành tựu, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh. VPIC1 là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Eurocharm Đài Loan, chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, xe trượt tuyết và thiết bị y tế. Nhờ không ngừng cải tiến công nghệ, kỹ thuật, tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sau 20 năm xây dựng và phát triển, VPIC 1 đã khẳng định thương hiệu, trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu thực hiện hiệu quả chính sách tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển công nghiệp phụ trợ của tỉnh, là đối tác tin cậy của nhiều công ty nổi tiếng như: Toyota, Honda, Ford, Piaggio, Yamaha, France bed… Những năm gần đây, doanh thu của công ty đạt hơn 150 triệu USD/năm, nộp ngân sách Nhà nước trên 100 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 3.500 lao động.
VPIC1 thực hiện hiệu quả chính sách tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển công nghiệp phụ trợ của tỉnh
Để thúc đẩy CNHT phát triển, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 39 của UBND tỉnh quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 23 của UBND tỉnh về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển CNHT tỉnh; Quyết định số 3663 về ban hành chương trình hỗ trợ phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, với tổng số tiền hỗ trợ gần 95 tỷ đồng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp lĩnh vực linh kiện phụ tùng đủ điều kiện trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung ứng một phần cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu; 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm CNHT có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia được vào thị trường xuất khẩu.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc xác định phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Theo đó, Vĩnh Phúc tập trung phát triển các nhóm ngành CNHT chủ lực gồm: ưu tiên sản xuất sản phẩm điện tử, công nghiệp bán dẫn; phát triển cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại trở thành ngành công nghiệp nền tảng và các dòng xe ô tô, xe máy thân thiện với môi trường; khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp, nông nghiệp.
Cùng với đó, thu hút các dự án đầu tư theo định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh, nhất là các dự án công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm như máy tính, điện thoại, điện tử; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp ô tô, xe máy điện; dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao... đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô - xe máy.
Tăng cường kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp của tỉnh
Thực hiện Nghị quyết số 115/2020 của Chính phủ về các giải pháp phát triển CNHT, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường các hoạt động liên kết, tăng năng lực cho các doanh nghiệp nội đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng; triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp sản xuất CNHT, công nghệ cao với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tham gia Hợp phần 3 dự án Link SME thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ. Phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách, Bộ Công Thương thực hiện đề tài “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI”. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn cho doanh nghiệp về khả năng cạnh tranh, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên trên thực tế, CNHT đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa nhiều, còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít về chủng loại và sản lượng, chưa tạo được sức cạnh tranh. Hai doanh nghiệp lớn là Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam hàng năm phải nhập khẩu một lượng lớn linh kiện, phụ tùng ô tô để phục vụ sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp CNHT là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với trên 80% doanh nghiệp có số lao động dưới 50 người và giá trị sản xuất còn thấp. CNHT sản xuất nguyên, vật liệu như sắt, thép, kim loại màu, cao su kỹ thuật, nhựa kỹ thuật, da, bông chưa phát triển, chủ yếu phải nhập khẩu; sản phẩm CNHT có giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động. Ngoài ra, một số doanh nghiệp DDI của tỉnh là nhà cung ứng cấp 2, song về cơ bản các doanh nghiệp này còn hạn chế về năng lực, công nghệ, quản trị nên khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI rất khó khăn.
Thời gian tới, để phát triển CNHT đúng định hướng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho các sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp phát triển CNHT như đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động quản lý Nhà nước của các cơ quan và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp CNHT; tổ chức hội chợ triển lãm để các doanh nghiệp giới thiệu, trưng bày các sản phẩm CNHT; triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm CNHT trong và ngoài nước. Tăng cường các hoạt động liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI.
Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp tỉnh; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp CNHT phát triển.
Trần Ngọc (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI