VĨNH PHÚC

Vĩnh Phúc tăng tốc về đích năm 2024

10:29:17 | 26/11/2024

Tính đến hết tháng 11/2024 hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023; Trong đó tốc độ tăng GRDP ước cả năm 2024 đạt từ 7,5 - 7,8% cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Địa phương đã và đang thực hiện nhiều hoạt động tạo những bứt phá nhằm tăng tốc về đích năm 2024.

Bứt phá trong thu hút đầu tư

 UBND tỉnh đã triển khai các nội dung hợp tác với tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), tỉnh Pernik (Bulgaria), vùng Toscana (Italia), ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Signetics, lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn Young Poong, Quỹ đầu tư META, Công ty Grandway Singapore,... Một số nhà đầu tư chiến lược đã có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác với tỉnh như: Tổ hợp Samsung Việt Nam, Signetics Hàn Quốc, Công ty Cổ phần T&Y SuperPort, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ,… Đặc biệt, Công ty Signetics đã ký thỏa thuận với Tập đoàn CNCTech triển khai dự án nhà máy bán dẫn tại tỉnh có tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD và Công ty Polaris Việt Nam đã khánh thành nhà máy sản xuất mô tô, xe máy, phụ tùng có tổng mức đầu tư hơn 40 triệu USD. 

Với tầm nhìn đổi mới và nhất quán xuyên suốt của các thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, Vĩnh Phúc xác định lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, động lực cho tăng trưởng, thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế; trong đó tập trung phát triển KCN theo mô hình KCN xanh, KCN sinh thái để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết các thủ tục đầu tư, ưu tiên quỹ đất sạch phát triển hạ tầng các KCN. Sáng ngày 26/11, ông Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì hội nghị nghe Ban Quản lý các khu công nghiệp và các đơn vị liên quan báo cáo kế hoạch tổ chức “Diễn đàn giải pháp xanh toàn diện khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc”. Diễn đàn do UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Liên chi Hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 12/2024 tại thành phố Vĩnh Yên với 3 phiên gồm: Định hướng đón dự án đầu tư chất lượng cao gắn với phát triển khu công nghiệp sinh thái vào tỉnh Vĩnh Phúc; xu thế và kinh nghiệm quốc tế cho Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư chất lượng cao; tọa đàm các vấn đề, giải pháp về xu thế, kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho tỉnh Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư chất lượng cao.

Mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn doanh nghiệp Bulgaria do ông Boyko Takow, Giám đốc Điều hành Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Bulgaria làm Trưởng đoàn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Tại buổi làm việc, Chủ tịch Trần Duy Đông đã trực tiếp trả lời các doanh nghiệp Bulgaria về các chi phí liên quan đến đầu tư; những thế mạnh của tỉnh trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các chính sách ưu đãi về thuế, giá thuê đất, chính sách ưu đãi dành cho lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút như: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, các dự án phát triển y tế, giáo dục...

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2025, Vĩnh Phúc chọn phương án tăng trưởng GRDP của tỉnh khoảng từ 8,0 - 9,0% để làm mục tiêu phấn đấu đạt cao nhất kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra và làm tiền đề cho xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm khơi thông các nguồn lực nhất là các động lực mới để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các sản phẩm chủ lực, có thị trường lớn, tiềm năng. Khai thác triệt để nguồn thu, chống thất thu ngân sách Nhà nước; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu. Chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, ngoại hối, hoạt động ngân hàng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công

10 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 4.680 tỷ đồng, bằng 60,2% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 51,4% tổng số vốn kế hoạch (bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài). Trong đó, vốn do cấp tỉnh quản lý 2.183 tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch giao; vốn do cấp huyện, xã quản lý 2.499 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch tỉnh giao.

Một số huyện, thành phố có tỷ lệ giải ngân khá cao như huyện Yên Lạc 84,2%, huyện Bình Xuyên 81,4%, huyện Lập Thạch 78,7%, huyện Vĩnh Tường 69,8%, thành phố Vĩnh Yên 63%. Một số huyện, thành phố có tỷ lệ giải ngân còn thấp như huyện Tam Dương 42,7%; huyện Sông Lô 38,8%; thành phố Phúc Yên 36,1%; huyện Tam Đảo 35,9%.

Nhìn chung, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong 10 tháng năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 89,3%), nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước (đạt 52,29%), xếp thứ 21/63 địa phương và đứng thứ 2/11 các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Theo thông tin từ UBND huyện Yên Lạc, năm 2024, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công toàn huyện được giao, phân bổ hơn 470 tỷ đồng triển khai thực hiện hơn 100 dự án. Trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp huyện quản lý gần 130 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách cấp xã quản lý. Với nguồn vốn được giao, ngay từ đầu năm, UBND huyện Yên Lạc đã khẩn trương phân bổ cho các công trình dự án hoàn thành phê duyệt quyết toán; đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tổ chức lựa chọn nhà thầu và khởi công mới các dự án được phân bổ vốn. Việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện cơ bản bảo đảm đúng kế hoạch, tiến độ. Luỹ kế giải ngân vốn từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã thực hiện giải ngân tổng nguồn vốn là 441 tỷ đồng, bằng 92,2% kế hoạch năm 2024 (bao gồm cả dự án ngân sách tỉnh phân bổ trực tiếp) và là điểm sáng của khối các huyện, thành phố trong tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực để các công trình, dự án đẩy nhanh tiến độ.

Điển hình là dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Vành đai 4 đi đê tả sông Hồng với tổng mức đầu tư hơn 270 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án xây dựng và phát triển Cụm công nghiệp Yên Lạc làm chủ đầu tư; liên danh Công ty Cổ phần Kehin cùng Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Xuất nhập khẩu Cieza Vĩnh Phúc thi công được khởi công từ tháng 12 năm 2023. Dự kiến sau khi hoàn thành, công trình không chỉ từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch được duyệt mà còn tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn. Mặc dù trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn về nguồn vật liệu cũng như mưa lớn kéo dài, song đơn vị thi công vẫn nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, tập trung nhân lực, vật lực cùng trang thiết bị máy móc chia làm các mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án, phấn đấu hết tháng 12 năm 2024 sẽ thảm được lớp mặt đường của phần vị trí đã có mặt bằng.

Tốc độ tăng GRDP với con số ấn tượng!

Tốc độ tăng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (6,8 - 7%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng từ 7,5 - 8,5%), trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng ước tăng 10,4 - 10,7%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 1,5 - 1,6%; các ngành dịch vụ ước tăng 7,5 - 7,8%. Quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành ước đạt khoảng 172.000 - 173.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14.000 tỷ đồng, tương đương tăng 8,8 - 9,3% so với năm 2023. Giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 140 - 141 triệu đồng/người/năm, tăng 7,5 - 8,0%, tương đương tăng khoảng 9,8 triệu đồng so với năm 2023. Cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng dự kiến chiếm 62,39 - 62,49%, ngành dịch vụ chiếm khoảng 30,88 - 31,0% và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6,61 - 6,63%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm ước tăng 11,3%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 11,4%. Sản lượng sản xuất một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều tăng, đặc biệt có một số sản phẩm tăng rất cao so với với năm 2023 như: máy tính xách tay ước tăng 1,5 lần; bộ phát wifi ước tăng gần 3 lần; thức ăn gia súc ước tăng 21,6%; gạch ốp lát ước tăng gần 17%; xe máy ước tăng 7,5%.

Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá so với năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 16,3 tỷ USD tăng 12,55% so với năm 2023; mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là xe máy nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng xe máy, điện thoại, máy vi tính, hàng điện tử, phụ tùng ô tô, gỗ và sản phẩm từ gỗ, hàng dệt may,...

Dịch vụ tín dụng tiếp tục phát triển đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Lãi suất cho vay mới bình quân ở mức 6,2 - 6,5%/năm, giảm 0,88% so cuối năm 2023 đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh. Ước cả năm tổng nguồn vốn huy động đạt 142.600 tỷ đồng, tăng 12,98% so với cuối năm 2023. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai giảm lãi suất, đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp, đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng... Kết quả dư nợ cho vay ước đạt 143.500 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2023.

Kết quả thu hút đầu tư vốn FDI vượt mục tiêu đề ra, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức hiện nay. Tổng vốn đầu tư FDI thu hút ước đạt 600 triệu USD, bằng 150% so với kế hoạch, tương đương với năm 2023; vốn đầu tư DDI ước đạt 5.500 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ước đạt 1.550 doanh nghiệp, tăng 1,8% so với năm 2023, với số vốn đăng ký khoảng 13.000 tỷ đồng.

Hoàng Thắm (Vietnam Business Forum)