Những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, nâng cao vai trò trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các chính sách dân tộc được thực hiện hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho người dân và đưa Bắc Giang ngày càng phát triển.
Thực hiện hiệu quả công tác dân tộc
Bắc Giang là tỉnh miền núi có số người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 14% dân số toàn tỉnh, với khoảng 260.000 người, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế…
Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Giang lần thứ IV năm 2024.
Năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; song với sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện; kết cấu hạ tầng được tăng cường; công tác giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ.
Có được kết quả này, ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Ban luôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Nổi bật là phối hợp trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình 1719). Hàng năm, Ban chủ trì, phối hợp với các ngành trình Chủ tịch UBND tỉnh sớm giao kế hoạch các dự án, chính sách, ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời để các huyện, chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện; thường xuyên chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, giám sát để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Thực hiện tốt chính sách dân tộc đã thúc đẩy đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ảnh: bà con dân tộc Dao xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn thu hoạch vải thiều
Công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển đổi số và phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường, đa dạng với nhiều hình thức. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào DTTS, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, bám sát nhiệm vụ được giao và tình hình thực tiễn, Lãnh đạo Ban chủ động ban hành nhiều kế hoạch và triển khai thực hiện tốt công tác nắm tình hình địa bàn. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình an ninh trật tự vùng DTTS,...
Góp phần phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững
Giai đoạn 2022 - 2024, ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, huyện thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh là 1.334.868 triệu đồng. Chương trình đã đầu tư xây dựng mới 224 công trình; thực hiện 142 công trình chuyển tiếp; duy tu, bảo dưỡng 225 công trình; cải tạo nâng cấp 8 chợ; thực hiện 9 dự án cứng hóa đường giao thông;...
Đến nay, 100% các hộ được sử dụng điện; 100% số xã vùng dân tộc, miền núi xe ô tô đã vào được trung tâm; tỷ lệ đường trục xã nhựa hóa, bê tông hóa đạt 98,31%, đường trục thôn, liên thôn đạt 98%, đường ngõ, xóm đạt 92.76%; tỷ lệ các xã vùng dân tộc có nhà văn hoá xã, nhà văn hóa thôn, bản đạt 100%.
Toàn tỉnh có 42/73 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 57,5%. Thu nhập bình quân người DTTS đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm. Đời sống của người nghèo, người DTTS được cải thiện, không còn hộ đói. Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 21,9% năm 2021 xuống còn 13,57 % năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm từ 11,93% năm 2021 xuống còn 6,5% năm 2023.
Giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh có trên 200 hộ là đồng bào DTTS làm đơn đăng ký thoát nghèo, tích cực tham gia phát triển mô hình kinh tế; đã có nhiều phong trào, tấm gương người DTTS sản xuất, làm kinh tế giỏi.
Các giá trị văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào DTTS được quan tâm bảo tồn, giữ gìn, phát huy; sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được chú trọng; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS thường xuyên được quan tâm. Hệ thống chính trị cơ sở ngày được củng cố, kiện toàn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường.
Ngày 29/11/2024, Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Giang lần thứ IV với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đại hội đề ra mục tiêu: Phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS bằng 75 - 80% bình quân chung cả nước. Giảm tỷ lệ hộ nghèo người DTTS xuống dưới 6,5%; giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn; phấn đấu 70% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; trên 90% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội,...
Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Để hoàn thành mục tiêu này, thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc và thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án, chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn; tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như các nhu cầu bức thiết, cấp bách vùng đồng bào DTTS. Trong đó, ưu tiên cho các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn, thực hiện nghiêm túc việc công khai hóa các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư,...
Thông qua đó, không chỉ tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội mà còn góp phần phát triển kinh tế, ổn định an sinh, thu hẹp khoảng cách vùng, miền, xây dựng Bắc Giang ngày càng phát triển theo hướng bền vững, thịnh vượng.
Tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Giang lần thứ IV, có 06 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 22 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc. Trước đó, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2011), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2016); cùng nhiều cờ thi đua, bằng khen của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch UBND tỉnh… vì những kết quả trong công tác dân tộc. |