VĨNH PHÚC

Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

10:37:38 | 30/12/2024

Vĩnh Phúc nằm trong Top 10 địa phương có tăng trưởng cao nhất cả nước. Thu ngân sách nhà nước đứng thứ 10/63 tỉnh thành. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thành công trên chính là chính quyền tỉnh luôn đồng hành với doanh nghiệp (DN) để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn.

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, hơn lúc nào hết, thời điểm này cần đồng bộ các giải pháp trợ lực giúp doanh nghiệp tồn tại và trụ vững, đó là các giải pháp về hỗ trợ tiếp cận vốn, giảm chi phí, cho vay ưu đãi… cũng như cải thiện môi trường kinh doanh để dễ tiếp cận thị trường. Hàng loạt những cuộc trao đổi, tiếp xúc gặp gỡ doanh nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm.

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng năm 2024,  Vĩnh Phúc có 839 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bằng 96,7% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký đặt khoảng 7.818 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường là 248 doanh nghiệp tăng 0,4% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên 1.087 doanh nghiệp.

Mặc dù có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ và được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, song nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Trong đó, tác động của thị trường do một số ngành, lĩnh vực phục hồi chậm, xuất nhập khẩu thu hẹp và thị trường bất động sản đình trệ khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng sản xuất. 7 tháng qua, toàn tỉnh ghi nhận 851 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 745 doanh nghiệp, tăng 26,7% so với cùng kỳ và số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể là 106 doanh nghiệp, tăng 35,9% so với cùng kỳ. Bên cạnh những khó khăn chung, nhiều doanh nhiệp, nhà đầu tư cũng đối mặt với những thách thức do vướng mắc về thủ tục đầu tư, cơ chế, chính sách, nhất là thủ tục đầu tư trong lĩnh vực đất đai, xây dựng làm tiến độ dự án kéo dài, phát sinh nhiều chi phí.

Riêng lĩnh vực tháo gỡ về kênh vốn cho doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã tổ chức riêng một buổi đối thoại với doanh nghiệp với hệ thống ngân  hàng đầu tháng 11. Báo cáo nhanh của NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc cho biết, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo đà thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng như giảm lãi suất, công khai lãi suất cho vay; thực hiện tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu tăng thêm đã được NHNN điều chỉnh; đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đưa nhiều gói tín dụng ưu đãi phù hợp với từng đối tượng khách hàng; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng...

Đến ngày 30/9, các tổ chức tín dụng đã cho 3.208 doanh nghiệp vay vốn, với dư nợ đạt 56.438 tỷ đồng, chiếm trên 41% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay mới 1.137 khách hàng là doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, với tổng dư nợ đạt 19.300 tỷ đồng.

Riêng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc và chi nhánh Phúc Yên, từ đầu năm đến nay đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp từ 1,5 - 2,5%/năm tùy từng kỳ hạn.

Tính đến hết tháng 9/2024, đơn vị có dư nợ cho vay đối với khách hàng là doanh nghiệp đạt 11.463 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay ưu đãi dành cho khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hơn 1.700 tỷ đồng; cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng là doanh nghiệp lớn đạt hơn 2.230 tỷ đồng; cho vay đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu đạt 524 tỷ đồng.

Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt mà thiếu vốn. Đối với các ngân hàng thương mại, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các ngân hàng chủ động rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, bảo đảm số liệu khách quan, thực chất.

Kiên định với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc, tiếp tục tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp; thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Chương trình hành động số 66 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh năm 2024; Văn bản số 1.921 của UBND tỉnh về việc triển khai một số nhiệm vụ xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết khó khăn, vướng mắc...

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ thêm việc duy trì và tạo ra môi trường đầu tư thật sự thông thoáng mới là điều quan trọng. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức hàng chục buổi làm việc, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; Linh hoạt các hình thức hỗ trợ, Tổ hỗ trợ doanh nghiệp trên các nhóm Zalo của Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành

Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bằng việc duy trì hoạt động của chương trình “Cà phê doanh nhân”, Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh; bộ phận Japan Desk, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan…

Hương Hậu (Vietnam Business Forum)