BÌNH ĐỊNH

Bình Định xúc tiến đầu tư gắn với cải thiện môi trường kinh doanh

09:10:17 | 31/12/2024

Từ tiềm năng, lợi thế mới định hình rõ nét khi triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Định đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, nhất là dòng vốn đầu tư chất lượng cao, đồng thời chú trọng tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.


Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ông Phạm Anh Tuấn trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan sấy lạnh cho Tập đoàn Future Enterprises Pte. Ltd, tháng 9/2024

Xúc tiến đầu tư gắn với hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2024, Bình Định đã tiếp, làm việc với hơn 30 tổ chức, doanh nghiệp, đối tác đến khảo sát, tìm hiểu và đăng ký đầu tư đến từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, UAE, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan,… Tỉnh cũng tổ chức thành công các sự kiện: Hội nghị Xúc tiến Thương mại với Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Canada, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024; làm việc với các đoàn doanh nhân UAE, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc trong khuôn khổ Tuần lễ Thể thao - Văn hóa - Du lịch Bình Định 2024; Hội nghị thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch với các đối tác Ấn Độ tại tỉnh Bình Định,... Thông qua các hoạt động này, tỉnh đã giới thiệu, xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là các dự án sản xuất công nghiệp, đô thị, du lịch vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp; các dự án về năng lượng tái tạo, xây dựng khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ du lịch, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao.

Nhờ những nỗ lực trên, tình hình thu hút đầu tư vào Bình Định đạt kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh thu hút 61 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 13.853 tỷ đồng (03 dự án FDI); thực hiện điều chỉnh 104 dự án với vốn đầu tư tăng thêm 2.014 tỷ đồng. Trong năm có nhiều dự án mới có quy mô và công suất lớn đi vào hoạt động như: Nhà máy sản xuất gạch ngói của Công ty cổ phần Takao Bình Định; Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi FAGO miền Trung của Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi FAGO Chi nhánh miền Trung; Nhà máy thủy điện Nước Lương của Công ty Cổ phần Thủy điện Nước Lương; Nhà máy sản xuất viên nén gỗ Nguyệt Anh của Công ty Cổ phần Nguyệt Anh;... Cả năm 2024, có 80 dự án sản xuất công nghiệp với tổng vốn đầu tư 6.090 tỷ đồng, bình quân khoảng 76 tỷ đồng/dự án hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, tạo ra giá trị gia tăng mới về sản xuất công nghiệp; trong đó có 12 dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư 4.808 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng ngành công nghiệp tỉnh.

Thực hiện tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian qua, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã phối hợp tích cực, khẩn trương và có hiệu quả nên bước đầu đã giải quyết được những vướng mắc, khó khăn giúp một số dự án quan trọng có thể triển khai sớm. Tính đến tháng 11/2024, Bình Định đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.089 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 9.080 tỷ đồng, tăng 5,4% về số doanh nghiệp và 7,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Để tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển mạnh mẽ hơn, trong năm 2025, Bình Định sẽ tập trung xây dựng hoàn thành các công trình trọng điểm như: Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; Tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ; Tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; Tuyến đường nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với Cảng Quy Nhơn; Đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân,... Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao chất lượng quản lý về xây dựng cơ bản; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tích cực kêu gọi, thu hút các dự án có quy mô lớn vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực, địa bàn và nền kinh tế - xã hội.


Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - ông Hồ Quốc Dũng thăm Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp gắn với vị trí việc làm, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số và đạt được nhiều kết quả đáng kể. Năm 2024, tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng và trước hạn đạt 99,85%; Chỉ số “Phục vụ người dân, doanh nghiệp” đạt 90,59 điểm (tăng 1,86 điểm so với năm 2023) và tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu toàn quốc. Ngoài ra, đã hoàn thành việc triển khai nhân viên bưu chính công ích thay thế công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 100% Bộ phận cấp huyện. Đáng chú ý, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của UBND thành phố Quy Nhơn và Bảo hiểm xã hội tỉnh kể từ ngày 01/4/2024.

Trong năm 2025, tỉnh tập trung rà soát, kịp thời triển khai Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương, với phương châm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Bảo đảm xây dựng đội ngũ có số lượng, cơ cấu hợp lý, có trình độ, phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới, theo tinh thần “đúng người, đúng việc”; xây dựng hệ thống bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính, thực thi công vụ tại các cơ quan, đơn vị; tập trung cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên thông toàn trình. Tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý theo thời gian thực để khai thác, phân tích phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Ngoài ra, Bình Định sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao kết quả các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index và SIPAS. Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch, rà soát, đơn giản hóa TTHC một cách thực chất, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như đất đai, đầu tư, xây dựng,... Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước.

Hoàng Thắm (Vietnam Business Forum)