BÌNH ĐỊNH

Tích cực chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý thuế

08:26:37 | 11/4/2023

Cùng với các sở, ban ngành trong tỉnh, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã tích cực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào tất cả khâu của công tác quản lý, từng bước thực hiện hiệu quả tiến trình chuyển đổi số. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đẩu - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định.


Ngành Thuế Bình Định tích cực chuyển đổi số để phục vụ người dân tốt hơn

Ông có thể chia sẻ một số hoạt động nổi bật của ngành Thuế tỉnh Bình Định trong thời gian qua?

Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã hoàn thiện phương thức quản lý thuế hiện đại - lấy người nộp thuế (NNT) làm trung tâm phục vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, tăng cường ứng dụng CNTT vừa hỗ trợ tối đa cho NNT, vừa nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác thuế. Nhờ vậy, kết quả thu ngân sách do ngành Thuế quản lý đã đạt và vượt mức thu ngân sách được giao. Năm 2022, tổng thu nội địa ước đạt 15.480 tỷ đồng, bằng 139% dự toán, tăng 17,3% cùng kỳ (trừ tiền sử dụng đất thu được 8.536 tỷ đồng, đạt 119,6% dự toán, tăng 17,4% so với cùng kỳ).

Với mục tiêu: “Hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp (DN) vượt khó để phát triển”, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã tích cực triển khai kịp thời các chính sách thuế, các gói hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ tới tận tay DN thụ hưởng, với tổng số thuế, phí, lệ phí miễn, giảm lên đến 1.622 tỷ đồng và tổng số thuế gia hạn là 584,6 tỷ đồng. Đồng thời, Cục Thuế chú trọng xử lý hoàn thuế nhanh chóng, đúng quy định để tiếp thêm dòng vốn cho DN duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, thay đổi toàn diện phương thức quản lý thuế mới, quản lý bằng công nghệ dựa trên 05 trụ cột: “Hỗ trợ, cảnh báo, công khai, đối thoại, thanh, kiểm tra” nhằm thúc đẩy phản biện của người dân, DN và các cấp, các ngành cho sự tiến bộ trong công tác quản lý thuế.

Hiện nay, Cục đã triển khai số hóa toàn diện công tác quản lý thuế, đặc biệt về lĩnh vực hóa đơn điện tử, Cục Thuế tỉnh Bình Định là đơn vị tiên phong trong toàn quốc cả về giải pháp, cách thức tổ chức triển khai thực hiện với 02 điểm đột phá: Xây dựng Ứng dụng “Quản lý hóa đơn điện từ” để truy vết nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ của từng DN, nhìn thấy đường đi của hàng hóa luân chuyển qua các DN; thành lập Tổ Giám sát hóa đơn điện tử phục vụ việc rà soát, phát hiện sớm các DN mua bán hóa đơn để toàn ngành tập trung xử lý.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế là triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế gắn với cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Đối với công tác rà soát, cắt giảm TTHC: Bên cạnh việc tổ chức rà soát kỹ các thủ tục để đề nghị cắt giảm, Cục Thuế còn tham mưu UBND tỉnh tích hợp thủ tục đăng hộ kinh doanh với đăng ký thuế hộ kinh doanh. Theo đó rút ngắn thời gian giải quyết 02 thủ tục này từ 08 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc theo Quyết định số 60/2020/QĐ-UBND ngày 28/8/2020 của UBND tỉnh Bình Định.

Điểm đột phá, sáng tạo nhất chính là việc Cục Thuế gắn chuyển đổi số vào công tác cải cách TTHC, theo đó làm giàu giá trị hệ sinh thái phục vụ NNT dựa trên 4 trụ cột: Hỗ trợ, cảnh báo, công khai, đối thoại; vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho NNT, vừa hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa công chức thuế với NNT. Dấu ấn quan trọng chính là việc Cục Thuế tỉnh cho ra đời “Cổng giao tiếp điện tử” (http://biditax.vn) với nhiều công cụ phục vụ đắc lực cho công tác hỗ trợ, cảnh báo, công khai trên tất cả các lĩnh vực: Hóa đơn, bất động sản, khoáng sản, xây dựng, thương mại điện tử, lưu trú,… và đối tượng quản lý: DN, hộ kinh doanh, cá nhân.

Đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra: Từ năm 2020, Cục Thuế chuyển toàn bộ phương thức thanh tra, kiểm tra trực tiếp, mang tính vụ việc sang kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế để cảnh báo rộng rãi cho NNT tự sửa sai nhờ vào hệ sinh thái ứng dụng CNTT do chính Cục Thuế tự xây dựng. Theo đó, năm 2022, toàn ngành tiếp tục trợ giúp cho doanh nghiệp tự rà soát, điều chỉnh trên 1.200 hồ sơ khai thuế với số tiền 90 tỷ đồng, trong đó tăng số thuế phải nộp gần 55 tỷ đồng; qua đó, tránh bị thiệt hại do xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 11 tỷ đồng.

Nhờ việc cải cách hành chính (CCHC) gắn với số hóa toàn diện phương thức quản lý thuế đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực: Tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho cả DN và cơ quan thuế; phòng ngừa các sai phạm về thuế cho DN; giao tiếp giữa NNT và cơ quan thuế chủ yếu trên không gian số giúp phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực. Qua đó, làm lành mạnh môi trường thực thi pháp luật thuế nói riêng và môi trường sản xuất, kinh doanh nói chung.

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong năm 2023, ngành đã triển khai những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

Năm 2023, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 12.500 tỷ đồng do UBND tỉnh giao phó, trong đó thu từ khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh là 2.650 tỷ đồng, Cục Thuế tập trung những giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, xác định tiếp tục là “điểm tựa” cho DN, người dân vượt khó. Do đó, tích cực triển khai kịp thời các chính sách thuế, các gói hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ tới tận tay đối tượng thụ hưởng; xử lý hoàn thuế nhanh chóng, đúng quy định để DN có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy nền tảng hóa đơn điện tử với ưu tiên hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền làm trung tâm phát triển các ứng dụng phục vụ hiệu quả cho công tác giám sát hồ sơ khai thuế, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế và đặc biệt là ngăn chặn tối đa tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Thứ ba, thay đổi toàn diện phương thức quản lý, giám sát chặt chẽ và khai thác tối đa các nguồn thu còn dư địa, dự kiến tăng trưởng trong năm 2023.

Thứ tư, thúc đẩy toàn diện công tác quản lý thuế hộ kinh doanh từ công tác giám sát hồ sơ khai thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của hộ kê khai, đến công tác khảo sát, điều chỉnh doanh thu lập bộ thuế khoán theo mùa vụ và đặc biệt là việc thu thuế điện tử qua nền tảng eTax Mobile.

Thứ năm, tiếp tục thúc đẩy mô hình “Quản lý mở - công khai toàn bộ”, tận dụng lợi thế của “Cổng giao tiếp điện tử” để công khai tối đa công tác quản lý thuế trên tất cả các lĩnh vực; đặc biệt là các lĩnh vực có tính thời sự, dư luận xã hội đang quan tâm.

Thứ sáu, thay đổi hệ thống báo cáo kết quả thu ngân sách theo hướng tích hợp, tổng hợp số thu theo từng sở, ban, ngành và địa phương; định kỳ hàng tháng báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo điều hành.

Thứ bảy, thúc đẩy tiến trình kết nối dữ liệu đồng bộ với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh; theo đó, bổ sung, hoàn thiện các giải pháp quản lý thuế chuyên ngành đảm bảo khai thác hiệu quả các nguồn thu, dư địa tăng thu từ phát sinh kinh tế trên địa bàn tỉnh nhà.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Dũng (Vietnam Business Forum)