Cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn được coi là giải pháp then chốt của tỉnh Bình Dương trong nhiều năm qua nhằm tăng sức hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, tạo động lực đổi mới sáng tạo.
Cần những giải pháp đồng bộ hơn
Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện Chỉ số PCI để duy trì lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư, tiếp tục duy trì vị thế trong top đầu các địa phương có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất Việt Nam.
Kết quả Chỉ số PCI của tỉnh Bình Dương năm 2023 đạt 66 điểm, tăng gần 1 điểm so với năm 2022. Trong đó, có 06 chỉ số thành phần tăng điểm, bao gồm: Gia nhập thị trường; Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Chi phí thời gian; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, 04 chỉ số thành phần giảm điểm là: Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng.
Với 7/10 chỉ số thấp hơn trung vị cả nước (chiếm 40% trọng số) cho thấy tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Quyết tâm đổi mới vì doanh nghiệp và nhà đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh nhấn mạnh, nâng cao Chỉ số PCI không phải để “chạy theo” thứ hạng, mục tiêu hướng đến là tính hiệu quả thực chất. Đây được xác định là khâu đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu, tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ bằng những chính sách rõ ràng, nhất quán. Chú trọng tới vai trò, tiếng nói của cộng đồng, hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách, giám sát thực thi chính sách. Đồng thời, quan tâm đến tính công bằng, bình đẳng trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ. Cùng với đó, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, phát triển hệ thống logistics hiện đại, giúp doanh nghiệp dễ dàng kết nối với các tỉnh, thành và cảng biển; hướng đến phát triển các khu công nghiệp hiện đại, bền vững, thu hút doanh nghiệp công nghệ cao và sản xuất xanh. Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thông qua kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đề ra những chính sách thu hút lao động chất lượng cao, chuyên gia trong nước và quốc tế đến Bình Dương làm việc. Thành lập các trung tâm tư vấn, hỗ trợ pháp lý, xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp phát triển hiệu quả hơn. Tăng cường cải cách hành chính và chuyển đổi số, mục tiêu giải quyết 100% thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của việc nâng cao Chỉ số PCI, từ lực lượng chủ chốt là cán bộ, công chức, viên chức đến cộng đồng doanh nghiệp về mục tiêu, giải pháp cải thiện chỉ số này.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ cần sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh mà còn đòi hỏi sự chung tay của tất cả các sở, ngành và địa phương. Chỉ khi toàn bộ hệ thống cùng vào cuộc, môi trường kinh doanh mới thực sự được cải thiện, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sôi động, các địa phương trên toàn quốc đã và đang quyết liệt cải thiện Chỉ số PCI thì Bình Dương càng cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Với thế mạnh sẵn có cùng với quyết tâm đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, tin rằng Bình Dương tiếp tục khẳng định vai trò là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Hàn Lương (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc