Mặc dù là tỉnh có công nghiệp và thương mại - dịch vụ phát triển mạnh nhưng ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Dương vẫn đóng góp tích cực vào nền kinh tế địa phương. Trên đà hội nhập sâu rộng, ngành đã và đang tiếp tục phát triển theo chiều sâu, nâng tầm giá trị, hướng đến mục tiêu tiên quyết là phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, một trụ cột không thể thiếu trong sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Giữ vững nền tảng kinh tế bền vững
Trong năm 2024, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, UBND tỉnh, toàn ngành đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể: Duy trì tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm đạt 57,5% (kế hoạch 57,5%); tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100% tương đương 96.180/96.180 hộ; duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng cao chất lượng các tiêu chí (đặc biệt là đối với các xã đã được công nhận), đến cuối năm 2024 có 38/38 (100%) xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trong đó có 04/38 (10,5%) xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 03/06 (50%) huyện, thành phố đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành NTM.
Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng tham gia hội nghị kết nối cung cầu
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương cũng đã tiếp tục cơ cấu lại ngành theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Có khoảng 600ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ trên các loại cây trồng, trong đó có 171,5 ha/02 cơ sở đã được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục thực hiện Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 274 sản phẩm (4 sản phẩm 4 sao và 270 sản phẩm 3 sao) của 106 chủ thể gồm: 33 công ty, 12 hợp tác xã, 06 trang trại, 54 hộ kinh doanh và 01 tổ hợp tác. Triển khai thực hiện lồng ghép các Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực, ngành hoa cây cảnh, sản xuất rau an toàn và ngành chế biến rau quả đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh,...
Không chỉ vậy, địa phương còn đảm bảo 100% thủ tục hành chính của toàn ngành cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia và của tỉnh; thực hiện công khai và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương cùng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng giao thương qua thương mại điện tử nhằm hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ thể OCOP,… tiếp cận khách hàng qua hình thức bán hàng bằng thương mại điện tử.
Riêng sàn thương mại điện tử tỉnh (binhduongtrade.vn), lũy kế đến nay đã cập nhật 219 sản phẩm được chứng nhận của 99 chủ thể đạt 3 sao và 4 sao, trong đó cập nhật hình ảnh sản phẩm, thông tin chủ thể; giới thiệu, hỗ trợ chủ thể đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử tỉnh và thường xuyên cập nhật thông tin các sản phẩm và chủ thể được chứng nhận OCOP lên website Sở. Nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng.
Tiên phong ứng dụng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo
Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 – 2025. Ông Phạm Văn Bông nhấn mạnh, toàn ngành đang tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM. Phấn đấu trong năm 2025, sẽ duy trì tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm đạt 57,5%; tỷ lệ 100% dân số nông thôn toàn tỉnh có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng sinh hoạt; tiếp tục duy trì và nâng chất các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh, phấn đấu có 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 02 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 01 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Phấn đấu 100% xã có sản phẩm OCOP; có ít nhất 380 lượt sản phẩm (khoảng 240 sản phẩm) OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên (bao gồm công nhận mới, nâng hạng và công nhận lại), trong đó có ít nhất 10% sản phẩm đạt từ 4 sao trở lên,…
Theo đó, ngành cũng sẽ bám sát những giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, OCOP. Triển khai thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực ngành quản lý theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử; chuyển đổi số; hoàn thành các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư công theo kế hoạch được giao. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tin rằng, với truyền thống vững mạnh cùng tinh thần đoàn kết, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ngành Nông nghiệp địa phương sẽ đạt nhiều thành tựu xuất sắc hơn, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, người nông dân văn minh, góp phần nâng tầm giá trị nông sản.
Phương Hiền (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc