Xác định phát triển hạ tầng giao thông để đi tắt, đón đầu, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn ưu tiên nguồn vốn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thiện các công trình giao thông, bảo đảm kết nối giao thông thông suốt, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Nhờ tập trung tối đa nguồn lực, xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển, kết nối hạ tầng giao thông tỉnh với các tỉnh lân cận và hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia, đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh tương đối hoàn chỉnh với tổng chiều dài khoảng 7.918 km. Trong đó, quốc lộ, cao tốc có tổng chiều dài trên 120 km; đường tỉnh và tương đương là 470 km; đường đô thị dài 309 km; đường huyện 693 km và đường cấp xã, giao thông nông thôn khoảng 6.406 km. Cùng với đó là 35 km đường sắt và 75 km đường thủy.
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ được tích hợp theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô, Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D. Đường tỉnh và tương đương gồm 47 tuyến, trong đó có 5 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 1.132 km.
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ cơ bản hoàn thành các trục giao thông quan trọng như trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; cơ bản hoàn thành bảo đảm khép kín 5 tuyến đường vành đai cấp tỉnh; nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng đối với toàn bộ hệ thống đường tỉnh hiện hữu; xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh theo quy hoạch tỉnh; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng một số nút giao khác mức để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực thành phố Vĩnh Yên.
Từ việc chú trọng công tác quy hoạch, ưu tiên nguồn lực đầu tư, nhiều dự án giao thông lớn, trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được triển khai, đề xuất đầu tư, tạo kết nối vùng thủ đô trên địa bàn tỉnh như: Đường Vành đai 3, đoạn Hương Canh - Yên Lạc; đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khu vực xã Văn Quán) đến trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi Khu công nghiệp Sông Lô I; Dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ QL2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3; Dự án đường Vành đai 5 - vùng thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với QL2B đến Tây Thiên, đi QL2C và Tuyên Quang; Dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Vành đai 4 đi đê tả sông Hồng…
Đặc biệt dự án xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành là một minh chứng cho quyết tâm của Vĩnh Phúc trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc về giao thông. Dự án nhóm B, công trình giao thông cấp đặc biệt, có tổng mức đầu tư 488 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ cuối tháng 12/2022 với mục tiêu khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại nút giao cắt giữa đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên với đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Dự án góp phần tạo điểm nhấn kiến trúc trong không gian đô thị, hoàn thiện hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông vận tải được duyệt.
Với những nỗ lực và quyết tâm, Vĩnh Phúc đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế - xã hội năng động của khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước. Việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông là minh chứng cho quyết tâm của tỉnh trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân và thu hút đầu tư.
Nguồn: Vietnam Business Forum