Thái Nguyên đang đẩy mạnh phát triển du lịch với mục tiêu đón 6 triệu lượt khách vào năm 2025, tập trung vào dòng khách MICE và chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên tại Hà Nội năm 2025 diễn ra tại Hà Nội, ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, nhấn mạnh rằng Thái Nguyên không chỉ là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa với hơn 1.000 di tích, 300 làng nghề và nhiều sản phẩm OCOP đặc sắc, mà còn là điểm đến lý tưởng cho các loại hình du lịch tự nhiên, cộng đồng và trải nghiệm. Đặc biệt, Thái Nguyên nổi tiếng với di sản trà, được mệnh danh là "Đệ nhất danh trà" của Việt Nam. Các sản phẩm du lịch gắn với trà như "Hành trình trải nghiệm văn hóa trà", tour tham quan các vùng chè danh tiếng như Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Phú Lương đang được đẩy mạnh.
"Thái Nguyên đặt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách trong năm 2025, gần gấp đôi so với năm trước. Để đạt được điều này, tỉnh sẽ tập trung vào nhóm khách chuyên gia, khách công tác tại các khu công nghiệp và khách MICE. Các sản phẩm du lịch linh hoạt từ nửa ngày, một ngày đến hai ngày một đêm sẽ được xây dựng nhằm kết hợp giữa công việc và trải nghiệm," bà Trần Nữ Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên, chia sẻ.
Thái Nguyên đang đầu tư mạnh vào hạ tầng du lịch với các dự án trọng điểm như sân golf, khu nghỉ dưỡng 6 sao Flamingo, đồng thời mở rộng dịch vụ lưu trú và trung tâm hội nghị để phục vụ đoàn khách lớn. Bên cạnh đó, du lịch lịch sử - công nghiệp cũng là hướng đi mới khi tỉnh khai thác các tour tham quan nhà máy gang thép, khu công nghiệp Yên Bình.
Để tăng cường khả năng kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, Thái Nguyên cũng đang đẩy mạnh cải thiện hệ thống giao thông. Các tuyến đường dẫn đến các điểm du lịch trọng điểm được nâng cấp, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, tỉnh đang xem xét việc phát triển các mô hình lưu trú mới như homestay cao cấp và resort sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Về phía ngành đường sắt, ông Nguyễn Chính Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của tuyến Hà Nội - Thái Nguyên trong phát triển du lịch. "Chúng tôi đang lên kế hoạch tổ chức các chuyến tàu charter như 'Tàu Trà đạo', kết hợp cùng doanh nghiệp du lịch để mang đến trải nghiệm độc đáo cho du khách". Đây sẽ là sản phẩm du lịch kết hợp giữa giao thông đường sắt và trải nghiệm văn hóa, giúp quảng bá thương hiệu trà Thái Nguyên đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội (HUTC), Thái Nguyên có lợi thế lớn khi nằm gần Hà Nội và có cộng đồng chuyên gia quốc tế đông đảo. "Nếu khai thác tốt, dòng khách chuyên gia tại các khu công nghiệp sẽ trở thành nguồn khách quốc tế tiềm năng cho du lịch Thái Nguyên. Tuy nhiên, tỉnh cần nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, dịch vụ lưu trú và an toàn du lịch để đáp ứng nhu cầu của họ," ông Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, việc liên kết với các tỉnh như Bắc Kạn, Lạng Sơn để hình thành các tuyến du lịch đa điểm cũng được nhấn mạnh. "Các sự kiện thể thao, văn hóa quy mô lớn như giải marathon sẽ là động lực kích hoạt hệ sinh thái du lịch của địa phương," ông Dũng đề xuất.
Đánh giá cao tiềm năng hợp tác, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết: "Hà Nội và Thái Nguyên không chỉ liên kết về quy hoạch, kinh tế mà còn có sự gắn kết mạnh mẽ trong phát triển du lịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Thái Nguyên để thúc đẩy xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường và xây dựng các sản phẩm du lịch chung phục vụ cả khách nội địa và quốc tế."
Với định hướng rõ ràng và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, du lịch Thái Nguyên đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm độc đáo, đậm bản sắc cho du khách trong và ngoài nước.
Giang Tú (Vietnam Business Forum)