NGHỆ AN

Môi trường đầu tư Nghệ An nhìn từ góc độ PCI

14:10:48 | 13/10/2011

Cái khó đầu tiên ở Nghệ An là những năm vừa qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An chỉ đứng ở mức trung bình. Năm 2010, Nghệ An đạt 52,58 điểm, tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng cạnh tranh cấp tỉnh (đứng thứ 54/63), nhưng vẫn là một trong những địa phương có các điểm chỉ số thành phần thấp ở khu vực duyên hải miền Trung.

Lấy số liệu năm 2010, chỉ số Thành phần Tiếp cận và sử dụng ổn định vốn đất của Nghệ An chỉ đạt 4,46/10 điểm, Minh bạch thông và tiếp cận thông tin là 5,32 điểm; Chỉ số chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước là 4,79 điểm, chi phí không chính thức 5,47 điểm... Cứ theo những con số này mà đánh giá thì Nghệ An còn rất nhiều việc để làm cho một môi trường kinh doanh - đầu tư thân thiện và hiệu quả hơn.

Năm ngoái khi tôi làm việc với Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh, thì cũng là lúc mà cán bộ ở đây đang soạn thảo đề án: “Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, bắt tay giải quyết từng công việc, từng chỉ số thành phần để nhằm cải thiện hình ảnh của mình trong con mắt doanh nghiệp – nhà đầu tư có không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu tư tỉnh bộc bạch: “Nghệ An có diện tích rộng nhất nước (gần 16 500km2) với 12 huyện miền núi, đâu phải là ai cũng biết về PCI? Chúng ta cũng khó có thể yêu cầu một bằng chung giữa các huyện miền núi với các thành phố, thị xã đồng bằng”.

Minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận thông tin chính là chìa khóa để giải quyết một loạt vấn đề, kể cả thủ tục hành chính công và chi phí không chính thức. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng sử dụng hiệu quả Internet hay đủ thời đến “nhà một cửa”. Một năm qua đi, tình hình đã khác rất nhiều, tỉnh có hơn tám ngàn doanh nghiệp thì gần 80% trong số đó đã có web site, web site của tỉnh là một trong những trang web mạnh có độ mở cao. Chia sẻ về thành công này, ông Nguyễn Văn Độ nhận định: “chúng tôi phải xem lại xem kênh thông tin mình cung cấp tới doanh nghiệp có bị lệch so với khả năng và nhu cầu tiếp cận của họ không, từ đó mà tìm ra hướng đi thích hợp hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp”.

Ngay trước thềm Hội nghị xúc tiến đầu tư Khu vực Bắc Trung Bộ, Nghệ An đã tích cực “tiếp thị” hình ảnh của mình. Ngày 10/9, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức gặp mặt đại diện 15 đại sứ quán các nước và 29 doanh nghiệp tiêu biểu trong chương trình xúc tiến đầu tư “Nghệ An- Hội nhập và phát triển”. Từ 2006 đến hết tháng 8/2011, trong thu hút đầu tư trực tiếp Nghệ An có 332 dự án với gần 108 nghìn tỷ đồng, trong đó có có 23 dự án đầu tư FDI; 19 dự án ODA đang thực hiện; tổng mức đầu tư tương đương 180 triệu USD.

Trong dòng chảy các dự án đầu tư này, người ta phải tính đến những dự án mang tính đòn bẩy cho nền kinh tế của tỉnh: như: Dự án sản xuất sắt xốp công nghệ Itmk - Kobe (1 tỷ USD), Xi măng Tân Thắng (khoảng 3.643 tỷ), Khu đô thị Smart City (gần 2.300 tỷ), Thủy điện Chi Khê (1.271 tỷ), Dự án trồng cao su 704 tỷ đồng, Siêu thị Big C (04 triệu USD), dự án bò sữa tại Thái Hòa, Nghĩa Đàn do Ngân hàng Bắc Á làm chủ đầu tư (với số vốn lên tới khoảng 7 ngàn tỷ)… và khởi công xây dựng cảng nước sâu Nghi Thiết – Cửa Lò trị giá 490 triệu USD. Những cái khó của Nghệ An vẫn còn, nhưng tiềm năng xứ Nghệ lớn. Cơ hội tạo dựng sự thịnh vượng sẽ luôn mở ra.

PV