ĐỒNG THÁP

Ngành giao thông đi trước một bước

16:38:10 | 29/3/2012

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp, phát triển giao thông vận tải đã được Đảng bộ tỉnh xác định qua các kỳ Đại hội là “khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng” và ngành giao thông vận tải được giao trọng trách phải “đi trước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế”. Và nhiệm vụ này đã được toàn ngành giao thông thực hiện đạt hiệu quả cao.

Từ các nguồn vốn ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ của TW, vốn nước ngoài và vốn do nhân dân đóng góp, từ năm 2001 đến nay ngành giao thông vận tải Đồng Tháp đã nỗ lực triển khai nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn, trên cơ sở bám sát quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh Đồng Tháp đến năm 2010, định hướng phát triển đến năm 2020 và quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt để có sự điều chỉnh kịp thời phù hợp với quy hoạch chung. Đến nay qua hơn 10 năm đầu tư và phát triển, hệ thống giao thông của tỉnh đã có những bước tiến tích cực, mạng lưới giao thông đã hình thành và phân bổ tương đối đều khắp tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu vận tải, làm thay đổi bộ mặt nông thôn đưa vùng sâu, vùng xa. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 quốc lộ QL.30, QL.80 và QL.54 với tổng chiều dài trên 190km đang được TW đầu tư nâng cấp cầu và đường đảm bảo thông xe tải trọng 20 - 30 tấn. Ngoài ra còn có quốc lộ N1 chạy cặp theo biên giới được quy hoạch là hành lang phát triển biên giới Tây Nam và quốc lộ N2 – đường Hồ Chí Minh, thuộc hành lang phát triển đường Hồ Chí Minh, xuyên Đồng Tháp Mười đang triển khai thực hiện đầu tư, trong đó có cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống.

Trên địa bàn cũng có 15 đường tỉnh với tổng chiều dài trên 435km, 1102,5km đường huyện và 1.169,1km đường xã, đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ nhu cầu giao thương, đi lại của nhân dân. Ngoài ra, hệ thống sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 4.037,6km, trong đó 3.279,4km có khả năng khai thác vận tải với 1.086,3km các tuyến đường thủy chính hình thành các trục dọc - ngang liên kết các tuyến nhánh với toàn bộ mạng lưới. Cùng với hệ thống cảng biển, cảng sông, bến thủy nội địa trên sông Tiền, sông Hậu và các sông, kênh là trục chính trong tỉnh.Vận tải xếp dỡ hàng năm chiếm trên 60% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa của tỉnh. Do đó giao thông đường thủy đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Tháp.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp
Nguyễn Văn Cống cho biết ngành giao thông vận tải rất thuận lợi trong việc phát triển kết cấu hạ tầng. Về tính pháp lý, trước kia ngành giao thông phát triển theo kế hoạch do ngành đề xuất, còn hiện nay kế hoạch phát triển giao thông đã được nâng lên bằng các Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh Ủy và Nghị quyết số 49/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh nhằm từng bước xây dựng hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Theo đó định hướng đến năm 2015, toàn ngành tập trung sớm hoàn thành các tuyến đường quốc lộ đã và đang triển khai để phát huy hiệu quả; bổ sung một số tuyến mới để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội lâu dài. Đối với đường thuỷ quốc gia, tiếp tục cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường quan trọng kết nối nội tỉnh và liên tỉnh. Riêng hệ thống đường tỉnh, ngành giao thông tiếp tục hoàn thành các công trình trọng điểm giai đoạn 2008 - 2010; triển khai đầu tư 4 công trình trọng điểm giai đoạn 2011 – 2015; đồng thời chuẩn bị các thủ tục đầu tư đường ĐT 847; ĐT 849 và đường ven sông Tiền để triển khai thực hiện khi có điều kiện. Song song đó phát triển hệ thống đường huyện theo quy hoạch kết nối được với các tuyến giao thông quốc gia, đường tỉnh, đường giao thông nông thôn, bảo đảm phục vụ vận chuyển hàng hóa, phát triển cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Nâng cấp các cảng hiện có và xây dựng mới cảng ở sông Tiền và sông Hậu đạt chuẩn theo quy hoạch; đồng thời quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa cấp huyện, thị và các khu, cụm công nghiệp có khả năng tiếp nhận tàu, ghe trọng tải nhỏ, các tàu tự hành có tải trọng đến 200 DWT và đoàn sà lan có tải trọng đến 750 DWT.

Mỹ Châu

Sự kiện sắp tới

Triển lãm Quốc tế Thể thao và Sức khỏe Đài Bắc 2025

26 - 29/3/2025

Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc