Sau gần 2 năm “lỗi hẹn”, năm nay Lễ hội Văn hóa - Du lịch “Nhịp cầu Xuyên Á” lần thứ III- một “thương hiệu” lễ hội của các nước khu vực tiểu vùng sông Mê Kông do tỉnh Quảng Trị tổ chức định kỳ 3 năm một lần, sẽ diễn ra đúng vào dịp tháng Bảy tri ân ở Quảng Trị, từ ngày 26-28/7/2012. Đây không chỉ là lễ hội mang ý nghĩa về mặt văn hóa – du lịch mà còn là cơ hội để tỉnh giới thiệu tiềm năng kinh tế cũng như thu hút đầu tư. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Vĩnh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị. Ngô San thực hiện.
Ông đánh giá như thế nào về năng lực các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Trị?
Được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, UBND tỉnh cùng sự nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt là của các doanh nghiệp công nghiệp (DNCN) nên trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh vẫn giữ được ổn định, phát triển và đạt mức tăng trưởng khá, đời sống người lao động được đảm bảo.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 DNCN, giải quyết việc làm cho gần 9.000 lao động. Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp (DNSXCN) có vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Phát triển DNSXCN góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động theo hướng công nghiệp hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp (giá so sánh 1994) của tỉnh liên tục tăng, năm 2008 đạt 1.252.827 triệu đồng, năm 2009 đạt 1.450.960 triệu đồng, năm 2010 đạt 1.650.000 triệu đồng, năm 2011 đạt 1.900.000 triệu đồng và kế hoạch năm 2012 đạt 2.300.000 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2012, ước đạt 18,16%.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp của tỉnh chưa thực sự đóng vai trò động lực quan trọng, cơ bản cho chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của tỉnh; chưa có những doanh nghiệp lớn và sản phẩm chủ lực có vai trò động lực thúc đẩy nền kinh tế. Một số ngành công nghiệp phát triển còn chậm, môi trường đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các dự án đầu tư lớn, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Một số dự án sản xuất công nghiệp triển khai chậm so với kế hoạch. Thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Vậy ngành Công Thương tỉnh Quảng Trị đã có những giải pháp gì để hỗ trợ cũng như nâng cao “sức khỏe” doanh nghiệp tại địa phương?
Trên cơ sở định hướng đúng, tập trung phát triển mạnh các ngành có lợi thế như chế biến nông lâm thuỷ sản, dệt may, năng lượng (khí, điện) giúp công tác thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả khả quan.
Quảng Trị đã hoàn thành và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành như Quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020, Quy hoạch khai thác khoáng sản tỉnh, Đề án phát triển ngành cơ khí Quảng Trị đến năm 2020 và quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam để có cơ sở, định hướng thu hút đầu tư. Xúc tiến đầu tư các dự án động lực của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa vào hoạt động các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là các dự án có quy mô lớn, các dự án thủy điện nhỏ, góp phần nâng cao năng lực và giá trị sản xuất của toàn ngành.
Nghiên cứu lập dự án kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng và các dự án sản xuất sử dụng nhiên liệu khí và nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương vào KKT Đông Nam Quảng Trị. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh, có lợi thế so sánh, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của tỉnh, các dự án sử dụng nhiều lao động và tạo nhiều việc làm cho địa phương. Phối hợp Tập đoàn Dệt May Việt Nam triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt may trên địa bàn.
Có giải pháp thu hút các nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm, điểm công nghiệp ở các huyện, thị xã, thành phố. Phối hợp với các địa phương triển khai một số quy hoạch chuyên ngành để thu hút đầu tư.
Theo ông, để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, tỉnh Quảng Trị cần thực hiện giải pháp đột phá nào?
Môi trường đầu tư của tỉnh thực tế chưa thực sự hấp dẫn bằng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, các dự án đăng ký đa số có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ thấp. Để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, cần thực hiện các giải pháp đột phá sau:
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, công khai và điện tử hoá các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thu hút đầu tư. Mạnh dạn giao cho ngành Công Thương chủ trì xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư về lĩnh vực công thương.
Tạo điều kiện để tỉnh được tiếp nhận là địa điểm thực hiện dự án chế biến nguồn khí đốt khai thác từ ngoài khơi vùng biển tỉnh Quảng Trị (do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thăm dò, khảo sát...). Ủng hộ, hỗ trợ tỉnh kêu gọi đầu tư các dự án lớn trên địa bàn như: nhiệt điện than, nhiệt điện khí, các dự án chế biến khí, hóa dầu, bao bì thủy tinh...
Hỗ trợ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đến năm 2020 bao gồm: khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang, Bắc Hồ Xá và đường 9. Hình thành Khu kinh tế Đông-Nam Quảng Trị, kêu gọi hợp tác đầu tư xây dựng cảng Mỹ Thủy. Nghiên cứu xây dựng đường sắt cận cao tốc trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây đoạn Lao Bảo - Mỹ Thủy đấu nối vào tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Phát huy lợi thế của Hành lang kinh tế Đông – Tây mà Quảng Trị là điểm đầu của tuyến khi vào nước ta; chính sách ưu đãi đặc biệt của Chính phủ dành cho Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo để tiếp tục thu hút đầu tư vào khu vực này.
6/6/2023
Khách sạn Sofitel Saigon Plaza, TP.Hồ Chí Minh
Tháng 6 năm 2023
Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP. Hồ Chí Minh