QUẢNG NGÃI

Phát triển nguồn nhân lực: Mũi đột phá để Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp

15:19:50 | 31/7/2012

Quảng Ngãi đang mạnh mẽ vươn lên từng ngày, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Hiện tỉnh đang dồn toàn lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng ổn định, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Theo đó phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong ba khâu đột phá của tỉnh nhà để hiện thực hóa mục tiêu đề ra.

Mặc dù trong những năm gần đây, các cơ sở đào tạo nghề kỹ thuật tại KKT Dung Quất đã đào tạo trên 9.500 lao động, trong đó trên 1.000 lao động kỹ thuật có trình độ cao đẳng, 250 lao động hàn kỹ thuật cao, trên 6.100 lao động kỹ thuật hệ trung cấp và thợ bậc 3/7. Tuy nhiên, Quảng Ngãi xếp vào tỉnh có tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 28%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 34,3%. Để tuyển lao động tại tỉnh, doanh nghiệp đã đặt hàng cho nhiều đơn vị đào tạo, nhưng số lượng nhận được vẫn không đủ nên phải đến các địa phương khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa để tuyển dụng lao động. Tuyển dụng lao động trong tỉnh có khi tốn nhiều chi phí hơn, vì phải đào tạo lại, lao động mới có thể đáp ứng công việc. Câu chuyện thiếu lao động có tay nghề đã trở thành một nút thắt kìm hãm sức bật của Quảng Ngãi cả trong hiện tại lẫn tương lai.

Theo đó yêu cầu phát triển nguồn nhân lực tại Quảng Ngãi càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi – ông Nguyễn Duy Nhân cho biết, để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, Quảng Ngãi cần tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các trường dạy nghề trọng điểm của tỉnh, hướng tới đạt chuẩn về đào tạo các ngành nghề phục vụ lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao. Xây dựng nội dung chương trình đào tạo dựa trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động và tiêu chí đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin về lao động, việc làm và dự báo nhu cầu ngành nghề đào tạo.

Thể hiện sự quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh trong thời kỳ mới, tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Mục tiêu của Đề án là xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển KT - XH, đẩy mạnh CNH – HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Theo đó công tác đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật nguồn lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực.

Chỉ tiêu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 45%; 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định; đào tạo và thu hút 300 thạc sĩ, 20 tiến sĩ. 90% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 70%; tỷ lệ qua đào tạo nghề cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Giai đoạn 2016 - 2020, đào tạo và thu hút 350 thạc sĩ, 25 tiến sĩ. 100% cán bộ, công chức đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, tỉnh đã xây dựng và tập trung thực hiện 5 đề án: Đề án nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; Đề án đào tạo nghề, lao động kỹ thuật trình độ cao; Đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân; Đề án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; Đề án phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị. Để làm được điều này, Quảng Ngãi đang tập trung thu hút nguồn lực xây dựng một số cơ sở đào tạo nghề có chất lượng cao, nhất là các ngành đặc thù, các ngành có nhu cầu sử dụng lao động lớn. Đồng thời tăng cường nguồn lực cho các cơ sở đào tạo, bao gồm đội ngũ và tài chính, đồng thời tỉnh cần tạo lập cơ chế thu hút người tài để giải quyết vấn đề chất lượng đội ngũ các cơ sở đào tạo.


Duy Nhân