HÀ GIANG

Huyện Đồng Văn: Điểm hẹn nơi địa đầu đất nước

15:41:26 | 8/5/2014


Hai từ Đồng Văn từ lâu đã ẩn sâu trong tiềm thức bao người con đất Việt với hình ảnh những cao nguyên đá, quanh năm mây phủ, địa hình chia cắt dữ dội khiến con người “thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày”; nơi đó người Mông, người Dao, người Tày… lèn ngô, lèn lúa vào đá mà sống; nơi đó “nóc nhà” Lũng Cú “cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời", có lá cờ tổ quốc thiêng liêng ngày đêm phần phật tung bay.…


Là huyện vùng cao biên giới, nằm cách thành phố Hà Giang chừng 150km về hướng đông bắc, Đồng Văn được biết đến với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ được tạo nên bởi những ngọn núi đá cao hút tầm mắt, là nơi tập trung nhiều giá trị về văn hóa, địa chất địa mạo được xếp hạng cấp quốc gia và quốc tế… Từ khi được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, số lượng khách du lịch đến Đồng Văn tăng đột biến, từ đó mở ra những tiềm năng lớn để phát triển du lịch - dịch vụ cho huyện Đồng Văn (huyện vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu).




Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện Đồng Văn khóa XIX về phát triển du lịch – dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020, ngành Du lịch Đồng Văn đã có bước phát triển vượt bậc. Nhiều loại hình du lịch được hình thành kéo theo các dịch vụ bổ trợ như ăn uống, giải khát, vui chơi giải trí được phát triển. Nhận thức của người dân về du lịch – dịch vụ và lợi ích của các tổ chức, cá nhân tham gia cũng được nâng lên rõ rệt. Cơ sở hạ tầng du lịch, các điểm du lịch của huyện đang từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp đưa vào sử dụng như nhà đón khách tại xã Lũng Cú, Sà Phìn; xây dựng hồ sơ xếp hạng các di tích di sản như: Di sản phi vật thể Lễ cúng thần rừng Pu Péo, Lễ cúng tổ tiên Lô Lô và hóa thạch Tay Cuộn Ma Lé xếp hạng cấp Quốc gia cùng 4 di tích cấp tỉnh, nâng tổng số di tích của huyện lên 10 di tích; lập dự án bảo tồn và tu bổ di tích Phố cổ Đồng Văn và được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên 66 tỷ đồng, năm 2013 tu bổ cấp thiết xong 3 ngôi nhà, năm 2014 tiếp tục tu bổ 7 ngôi nhà; tập trung chỉ đạo xây dựng Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm Trên xã Sủng Là, năm 2013 đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng xây dựng các hạng mục như làm lại, sửa chữa nhà truyền thống, công trình vệ sinh, mở lớp tập huấn, mua chăn, màn và các điều kiện cần thiết để phục vụ khách.


Song song với sự đầu tư của Nhà nước, hệ thống nhà nghỉ tư nhân cũng phát triển mạnh mẽ. Đến nay toàn huyện có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao, 12 nhà nghỉ với 180 phòng, 220 giường và 23 nhà trọ du lịch; có trên 20 nhà hàng ăn uống thường xuyên hoạt động kinh doanh, mỗi năm phục vụ trên 300.000 lượt khách. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, huyện đã thiết lập mạng lưới kinh doanh, tăng cường liên kết, có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như làm thủ tục cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế thuê đất xây dựng cơ sở hạ tầng; áp dụng chính sách ưu đãi về phát triển du lịch, dịch vụ miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhiều loại dịch vụ gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc; miễn giảm thuế năm đầu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa có lãi trên địa bàn... Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, huyện cũng đã quy hoạch, khôi phục các làng nghề truyền thống như Làng nghề tre đan xã Sính Lủng, nghề sản xuất khèn xã Hố Quáng Phìn, Làng nghề may quần áo Tả Pủ dân tộc Mông tại Thị trấn Phó Bảng, Làng nghề thêu dệt váy áo phụ nữ dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú...

Từ nay đến năm 2015, huyện Đồng Văn phấn đấu đón 122.000 lượt khách du lịch, trong đó có 18.000 lượt khách quốc tế, chiếm khoảng 15%.  Xây dựng huyện trở thành trung tâm du lịch văn hóa lịch sử trong Công viên địa chất toàn cầu, tạo điểm nhấn và bước đột phá về phát triển du lịch. Để thực hiện thành công mục tiêu đưa du lịch - dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy nhiều ngành nghề khác cùng phát triển, thời gian tới, huyện sẽ tập trung hơn nữa cho công tác xúc tiến và các hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh du lịch Đồng Văn, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch.

Ở nơi mà hai thứ cần nhất cho sự sống là đất và nước đều thiếu, nhưng cứ mỗi độ mùa về, chúng ta lại thấy một màu xanh bạt ngàn của ngô, lúa, đậu và của cây trái trổ bông. Màu xanh ấy được chắp nối bởi đặc tính cần cù, chịu khó của đồng bào các dân tộc Đồng Văn. Trời, đất và con người như giao hòa, cùng nhau xây đắp cho hình ảnh Đồng Văn thêm đẹp, thêm kỳ vỹ.Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng các chính sách, giải pháp cụ thể mong rằng trong thời gian tới, huyện Đồng Văn tiếp tục là nơi thu hút đông đảo du khách mọi miền, góp phần vào công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, để Đồng Văn mãi xứng đáng là điểm đến lý tưởng nơi địa đầu của đất nước Việt Nam.


Minh Trí