HÀ GIANG

Sức bật của thành phố trẻ

16:53:14 | 2/8/2011

Ngày 27/9/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 35 về việc thành lập thành phố Hà Giang trực thuộc tỉnh Hà Giang. Đó là thành quả của một hành trình nỗ lực biến những khó khăn thành lợi thế phát triển. Xác định lấy thương mại du lịch là một mũi nhọn đột phá để tăng tốc đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng đô thị đã tạo nên sức bật mới trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Giang.

Là điểm nối của nhiều tuyến giao thông đi qua như: quốc lộ 2 từ Hà Nội qua thành phố tới cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy, quốc lộ 34 tới Cao Bằng, quốc lộ 279 tới Lào Cai…trong những năm qua, thành phố Hà Giang đã có nhiều thuận lợi trong quá trình xây dựng phát triển. Là trung tâm chính trị kinh tế - văn hóa của tỉnh, thành phố Hà Giang còn là nơi giao lưu kinh tế giữa các huyện trong tỉnh. Để xứng tầm vị thế này, thành phố sẽ phát huy nội lực, đầu tư phát triển đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tạo sức mạnh lan toả tới các địa phương khác.

Đặc biệt, cách cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy khoảng 20km, đồng thời cách thủ đô Hà Nội 318 km dọc theo quốc lộ 2 đã tạo nên một điểm trung chuyển giữa thành phố và các huyện vùng cao. Vị trí này đã mang lại lợi thế lớn của thành phố Hà Giang trong việc mở rộng giao lưu mọi mặt với tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc. Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy đã được Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách tài chính nhằm phát triển thành một khu kinh tế năng động, đây sẽ là cơ hội để thành phố nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại dịch vụ và du lịch đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giao dịch thương mại với các đô thị vùng biên của Trung Quốc.

Xác định du lịch – dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế, Hà Giang đang nỗ lực trở thành thành phố du lịch miền núi biên giới. Chính vì vậy, thời gian qua, thành phố tập trung khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, phong cảnh thiên nhiên và nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Song song đó huy động các nguồn lực để phát triển toàn diện về dịch vụ, du lịch với hình thức vừa đầu tư vừa khai thác, đẩy mạnh tăng cường và phát triển đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, du lịch, gắn du lịch với hoạt động dịch vụ. Thành phố đã hoàn thành quy hoạch tổng thể du lịch đối với trung tâm thành phố bao gồm: Khu du lịch Núi Cấm, Mỏ Neo, Suối Tiên và các làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Tày.

Trên địa bàn thành phố mới có 3 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, bao gồm 1 chi nhánh và 2 doanh nghiệp nhà nước; 36 cơ sở lưu trú du lịch của các thành phần kinh tế, trong đó có 6 khách sạn 1 sao, 1 khách sạn 2 sao và 29 khách sạn đạt các tiêu chuẩn tối thiểu. Ông Cao Thái Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố chưa có hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp. Để khai thác lợi thế, phát triển du lịch, dịch vụ, thành phố sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở lưu trú, hạ tầng du lịch. Công tác quy hoạch tạo quỹ đất được chú trọng nhằm tạo quỹ đất phát triển du lịch thương mại, dịch vụ.

Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập, thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại – dịch vụ, tăng cường giới thiệu quảng bá các tiềm năng thế mạnh của thành phố nhằm thu hút vốn đầu tư trong nước và các nguồn vốn nước ngoài; nghiên cứu áp dụng có hiệu quả các hình thức đầu tư BOT, BT, BTO. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ chiếm 70,8% trong cơ cấu kinh tế của thành phố.

Để tạo bước đột phá cho sự phát triển, thành phố Hà Giang xác định tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Tiếp tục phân cấp mạnh cho cơ sở gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước.

Trần Trang