HÀ GIANG

Công ty TNHH Sơn Lâm: Tăng cường tiềm lực phát triển bền vững

16:41:00 | 2/8/2011

Tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp và Sản xuất vật liệu xây dựng Sơn Lâm, tháng 4/1995 Công ty TNHH Sơn Lâm chính thức được thành lập với số vốn đăng ký 42 tỷ đồng. Ngày mới thành lập, Công ty TNHH Sơn Lâm chỉ đơn thuần là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, nhận thầu thi công các công trình dân dụng nhỏ. Nhờ có định hướng phát triển đúng trong từng thời kỳ, Công ty đã nhanh nhạy mở rộng hoạt động theo hướng đa ngành, đa nghề và địa bàn. Những năng lực dần được tích lũy, công ty đã từng bước tiếp cận các dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực dân dụng, giao thông cầu đường, thủy lợi, sản xuất và kinh doanh dịch vụ các loại vật liệu xây dựng, kinh doanh thương mại và vận tải hàng hóa.

Nâng tầm thương hiệu

Nắm bắt kịp thời những định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Công ty TNHH Sơn Lâm đã chuyển hướng cơ cấu ngành nghề sang lĩnh vực làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh thủy điện. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Phạm Công Nhân cho biết: Sau nhiều năm nhận thầu thi công xây lắp chủ yếu là thi công trong những điều kiện khó khăn nên công ty cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong xây lắp. Mặt khác, với lợi thế là tỉnh miền núi, độ dốc sông suối lớn, lượng mưa trung bình hàng năm cao, thuận lợi cho phát triển ngành thủy điện. Chính điều này đã thôi thúc tôi tìm hiểu và quyết định đầu tư vào lĩnh vực thủy điện.

Một trong những dự án thủy điện đầu tiên được triển khai là Nhà máy thủy điện Sông Chừng (Sông Con 2) thuộc huyện Quang Bình, Hà Giang. Nhà máy có quy mô gồm 3 tổ máy có tổng công suất thiết kế 19,5 MW, với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Được khởi công xây dựng từ quý IV/2007, trong quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn, kèm theo điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là mùa mưa lũ làm đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác thi công xây dựng. Nhưng với nỗ lực vượt bậc của tập thể cán bộ công nhân viên Chủ đầu tư và các nhà thầu, đặc biệt là khả năng điều hành toàn diện dự án của Chủ đầu tư, Ngay từ khi triển khai dự án, lãnh đạo công ty đã lường trước được những khó khăn vướng mắc khi thức hiện dự án, công ty đã dự trù đầy đủ vật tư, vật liệu, tài chính, mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại để phục vụ thi công, thu hút được nhiều chuyên gia giỏi, kỹ sư nhiều kinh nghiệm và công nhân lành nghề tham gia xây dựng dự án. Thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ các quy trình kỹ thuật trong xây dựng, kịp thời sử lý các sai sót, phát sinh trong quá trình thi công.

Với những nỗ lực vượt bậc, ngày 28/4/2011 nhà máy Nhà máy thủy điện Sông Chừng được đấu nối hòa vào lưới điện Quốc gia và chính thức phát điện vào ngày 01/5/2011. Mỗi năm Nhà máy Thủy điện Sông Chừng sẽ cung cấp cho lưới điện Quốc gia trên 70 triệu kWh điện. Đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 10 tỷ đồng/năm, đồng thời góp phần giảm bớt tình trạng khó khăn về năng lượng phục vụ sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khát vọng vươn xa

Nói về những chiến lược phát triển của doanh nghiệp, Giám đốc Phạm Công Nhân cho biết, trước mắt công ty sẽ khai thác triệt để các tiềm năng của nhà máy thủy điện Sông Chừng, hợp tác chặt chẽ với các đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ ngành thủy điện vừa và nhỏ, tiến tới sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị thủy điện vừa và nhỏ thay thế các thiết bị phải nhập khẩu đáp ứng nhu cầu hiện nay. Ngoài ra công ty cũng sẽ nhận thầu thi công các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang và các tỉnh miền núi phía Bắc. Công ty cũng đang hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án Nhà máy thủy điện Sông Lô, có công suất 24MW, dự kiến tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Phạm Công Nhân, trong hoạt động của mình, mọi công việc dù lớn, nhỏ đều tuân theo nguyên tắc lấy chất lượng làm đầu, lấy an toàn làm bạn, và lấy chữ tín nhiệm làm tiêu chí sống còn. Tiêu chí ấy đã được mọi công nhân, lao động trong công ty quán triệt và thể hiện trong chính công việc hàng ngày. Chính điều này đã khẳng định được uy tín và vị trí của Công ty trên mọi địa bàn hoạt động. Hiện nay, Sơn Lâm đã mở rộng địa bàn hoạt động khắp tỉnh Hà Giang và một số tỉnh lân cận.

Bên cạnh những thành công trong lĩnh vực thủy điện, Giám đốc Phạm Công Nhân còn đang ấp ủ hoài bão đầu tư dự án Khu đô thị mới Nam Cầu Mè (thành phố Hà Giang). Với diện tích khoảng 50 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 600 tỷ đồng, nếu đi vào hiện thực đây sẽ là Khu đô thị hiện đại bậc nhất của tỉnh Hà Giang, góp phần tạo điểm nhấn cho sự bứt phá vươn lên của vùng đất địa đầu Tổ quốc./.

Trọng Đạt