HÀ GIANG

Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng

16:23:45 | 2/8/2011

Trong những năm qua Lạng Sơn đã không ngừng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng về mọi mặt, làm bước đệm vững chắc cho phát triển bền vững trong thời gian sắp tới.

Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông

Tỉnh Lạng Sơn là điểm đầu của Việt Nam trong tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, được Chính phủ ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ. Hiện nay, tuyến quốc lộ 1A đoạn Hữu Nghị (Lạng Sơn) – Hà Nội (170 km) có quy mô 2 làn xe, loại đường cấp 1 đang vận hành; Chính phủ đang triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hữu Nghị (Lạng Sơn) với quy mô 6 làn xe. Ngoài ra, các tuyến quốc lộ 4B Lạng Sơn - Cảng Mũi Chùa, Quảng Ninh (114 km); Tuyến quốc lộ 1B Lạng Sơn - Thái Nguyên (160 km); Tuyến quốc lộ 4A Lạng Sơn - Cao Bằng(148 km); Tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Lạng Sơn – Đồng Đăng sang Trung Quốc đang vận hành có hiệu quả. Dự kiến của Chính phủ nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt này sau năm 2010. Vấn đề giao thông nông thôn cũng được chú trọng, các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ đi đến 100% trung tâm các xã.

Hoàn thiện điện, trường, trạm

Về cấp điện, hiện Lạng Sơn sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, gồm có 2 trạm biến áp 110 KV, các trạm biến áp 35/0,4KV, 22/0,4 KV và hệ thống đường dây tải điện đến 224 /226 xã, phường, thị trấn. Nhà máy nhiệt điện Na Dương công suất 100 MW. Sắp tới sẽ đầu tư dây chuyền 2 của nhà máy Nhiệt điện Na Dương với công suất 100 MW. Hiện tỉnh đang đầu tư 6 dự án thuỷ điện nhỏ công suất 30 MW, 01 dự án phong điện công suất 15 MW .

Về cấp nước, hiện hệ thống cung cấp nước tại thành phố Lạng Sơn công suất 10.000 m3/ngày đêm. Hệ thống cấp nước tại các thị trấn, khu dân cư đã đầu tư, đáp ứng được một phần nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt.

Về viễn thông, mạng lưới viễn thông kỹ thuật số hiện đại được kết nối bằng cáp quang, truyền viba tới 11/11 huyện, thành phố, 100% xã, các cửa khẩu; Tỷ lệ sử dụng đạt 12,6 điện thoại cố định/100 dân.

Về giáo dục đào tạo, toàn tỉnh hiện có 110 trường, cơ sở mầm non, 221 trường tiểu học, 175 trường trung học cơ sở, 44 trường phổ thông cơ sở, 23 trường trung học phổ thông, 12 trung tâm giáo dục thường xuyên, 02 trường cao đẳng, 04 trường trung cấp đào tạo nghề, trong đó Trường trung cấp nghề cơ điện và kỹ thuật nông lâm Đông Bắc đào tạo trung bình mỗi năm 2.700 học sinh và Trường Trung cấp nghề Việt - Đức đào tạo 1.200 học sinh/năm. Tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở vào năm 2006; có 58 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh đang xây dựng đề án Trường Đại học Lạng Sơn theo hướng đào tạo tổng hợp đa ngành, với năng lực đào tạo từ 1.500 - 1.800 sinh viên/năm.

Về y tế, tỉnh hiện có 04 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 bệnh viện tuyến huyện và 01 trung tâm y tế tại thành phố và 24 phòng khám đa khoa khu vực, có 226/226 xã, phường trạm y tế. Tổng số cán bộ y tế 2.398 người, tỷ lệ bác sỹ đạt: 9,5 bác sĩ/vạn dân. Có 170 trạm y tế xã có bác sỹ, 190 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 36% thôn, bản, khối phố có nhà văn hoá; có 137 điểm bưu điện văn hoá xã; 55,8% xã, phường, thị trấn có sân tập thể thao.

Hệ thống đô thị, cửa khẩu, toàn tỉnh có 10 huyện và 1 thành phố loại 3, với 212 xã, phường và 14 thị trấn; có 5 huyện biên giới là: Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, 5 huyện nội địa là Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng. Thành phố Lạng Sơn là trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hải Đăng