HÀ GIANG

Huyện Bắc Quang: Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

15:18:05 | 1/8/2011

Là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh Hà Giang, Bắc Quang đang mạnh mẽ vươn lên từng ngày. Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp. Thị trấn Việt Quang ngày càng khang trang với những khu bán buôn sầm uất, đang tích cực hoàn thành các tiêu chí của một đô thị loại IV. Đồng hành với hành trình vượt khó của một tỉnh đặc biệt khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân Bắc Quang còn có niềm tự hào riêng khi vùng đất heo hút hoang sơ thuở nào đã thay thế bởi sự trù phú, tạo một điểm nhấn khi du khách đặt chân đến Hà Giang.

Nằm trên quốc lộ 2 cách thị xã Hà Giang 60 km về phía Bắc, Bắc Quang có hệ thống giao thông hoàn thiện với cả hai loại hình đường bộ và đường thuỷ. Với hơn 50 km đường quốc lộ 2 chạy qua địa bàn huyện đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho phát triển kinh tế. Phát huy những lợi thế này, kinh tế của Bắc Quang được đánh giá là năng động nhất so với các huyện ở Hà Giang.

Toàn huyện có 3 doanh nghiệp Trung ương, 125 doanh nghiệp địa phương, 81 HTX, 313 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 110 xưởng chế biến chè, 1 cơ sở sản xuất bột giấy, 2 nhà máy thủy điện, 1 nhà máy khai thác quặng… Chỉ tính trong năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng của huyện đạt 445 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2009. Để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, huyện đã tiến hành quy hoạch Khu tiểu thủ công nghiệp thị Trấn Việt Quang với diện tích trên 7.000 m2. Hiện nay đã có 10 cơ sở sản xuất đăng ký và phối hợp với chính quyền huyện trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Giữ vai trò là điểm trung chuyển trước khi du khách đến thành phố Hà Giang, nên nhiều năm qua dịch vụ, du lịch của Bắc Quang có những bước tiến nhiều triển vọng. Nắm bắt lợi thế này, huyện cũng khuyến khích doanh nghiệp và người dân phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đặc biệt là đầu tư phát triển các dịch vụ nhà hàng, khách sạn cao cấp. Nhờ đó, tính đến 2011, trên địa bàn huyện đã có 7 nhà hàng, 16 khách sạn, nhà nghỉ với 130 phòng nghỉ, 1.661 căn hộ kinh doanh dịch vụ.

Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bắc Quang luôn chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống. Bắc Quang cũng là một trong 7 huyện tham gia vào chương trình xây dựng “Huyện điểm văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số” của cả nước, giai đoạn 2006-2010. Từ chương trình này đã tạo điều kiện để huyện huy động các nguồn lực nhằm xây dựng, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, phấn đấu tạo bước phát triển về đời sống văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các hoạt động này đã góp phần bảo tồn, phát triển các hoạt động lễ hội truyền thống, khôi phục một số nghề truyền thống…qua đó tạo điểm nhấn du khách khi đến với Bắc Quang.

Theo ông Hoàng Quang Phùng - Chủ tịch UBND huyện, Bắc Quang sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách để tạo môi trường thông thoáng thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một khởi sắc hơn. Huyện cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển làng nghề truyền thống gắn với xây dựng làng du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bắc Quang sẽ quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Huyện đang đẩy mạnh việc đưa cán bộ tham gia đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu đến năm 2015, phần lớn cán bộ xã có trình độ trung cấp, trong đó có khoảng 20% có trình độ đại học, từ đó góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Trần Trang