HÀ GIANG

Huyện Mèo Vạc: Vững vàng trên bạt ngàn đá núi

15:46:16 | 8/5/2014

Từ TP Hà Giang, vượt chặng đường dài đèo, dốc triền miên với những khúc cua tay áo, lởm chởm đá tai mèo, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân lên con đèo huyền thoại Mã Pì Lèng, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía bắc. Từ trên đỉnh núi chênh vênh, hùng vĩ phóng tầm mắt xuống thung xa, giữa những lớp đá, lớp núi lô xô, trùng trùng điệp điệp, thị trấn Mèo Vạc hiện ra như một bức tranh thuỷ mặc của đại ngàn...

Mèo Vạc vốn là một huyện biên giới nghèo của Hà Giang, tiếp giáp 45km với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc). Toàn huyện có 17 xã và 1 thị trấn, với hơn 73 nghìn người, gồm 16 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mông chiếm 78%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 50%. Để từng bước khắc phục khó khăn, và phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, đưa huyện Mèo Vạc "giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, vững về ANQP", Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định 4 khâu đột phá và 3 hướng mũi nhọn trên các lĩnh vực để tập trung chỉ đạo (4 khâu đột phá gồm: Công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; Đào tạo nguồn nhân lực. Ba hướng mũi nhọn gồm: Chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ; Chuyển đổi đưa các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa; Phát triển kinh tế cửa khẩu).

Theo Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, ông Nguyễn Chí Thường: Muốn các mặt công tác mang lại hiệu quả và để có thể phát huy sức dân mạnh mẽ thì trước hết phải bảo đảm người dân không còn đói nghèo. Do đó, huyện luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Với những biện pháp đồng bộ và các chính sách xã hội được triển khai kịp thời cùng nỗ lực của chính quyền các xã, thị trấn, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, thời gian qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã đạt được những kết quả tích cực. Trong năm 2013, có hơn 35 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn được hoàn thành và đưa vào sử dụng; 567 hộ được xóa nhà tạm; 494 lượt hộ nghèo được vay vốn xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ cho hơn 28.000 lượt hộ về giống cây trồng, vật nuôi; trên 33.000 lượt hộ nghèo và cận nghèo được tập huấn khuyến nông… Trong năm, huyện đã cấp thẻ BHYT cho gần 70.000 người dân tộc thiểu số, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và khám chữa bệnh miễn phí cho gần 7.000 lượt người.

Có thể nói, các chính sách và dự án giảm nghèo đã phát huy hiệu quả, giúp người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hưởng thụ tốt hơn các dịch vụ công cộng và các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 19,2%; thu nhập bình quân tăng 16% so với năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50,55% xuống còn 45,53%…là những mốc đánh dấu sự phát triển khá toàn diện của huyện Mèo Vạc trong năm 2013, đồng thời tạo cơ sở cho huyện tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững…

Nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2014, thời gian tới, Huyện sẽ: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của huyện; thực hiện tốt việc huy động sự đóng góp của nhân dân trên địa bàn để xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn; tạo chuyển biến trong sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển văn hóa - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội; Tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ  nhân dân, phòng chống tham nhũng lãng phí; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị xã hội, trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại,…Bên cạnh đó, Huyện cũng từng bước quy hoạch, đầu tư hạ tầng để khơi dậy những lợi thế sẵn có về thiên nhiên, con người, thúc đẩy phát triển du lịch. Hiện nay, huyện có 17 cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đảm bảo phục vụ tốt cho khoảng 10.000 lượt du khách/năm. Đây được coi là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Vượt lên trên những khắc nghiệt của thiên nhiên, Mèo Vạc hôm nay đang khoác lên mình một chiếc áo mới, như những thân cây ngô xanh vươn mình trong lớp đá xám, sức sống mang tên Mèo Vạc vẫn từng ngày trỗi dậy nơi mảnh đất khô cằn, xứng đáng với vị trí quan trọng trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn…

Kiều Trang