LAI CHÂU

Trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu: Địa chỉ đào tạo uy tín

10:19:12 | 31/3/2015

Chính thức đi vào hoạt động tháng 3/2008, Trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu là trường cao đẳng đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh, có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Lai Châu và các địa phương lân cận. Trong 7 năm qua, Trường đã đạt được những thành tựu về phát triển quy mô ngành nghề đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc, được chính quyền các cấp và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy

Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh Lai Châu, từ khi thành lập đến nay, Nhà trường thường xuyên rà soát và điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn, giảm bớt lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, thực tập, bồi dưỡng nghiệp vụ; đổi mới tổ chức dạy học và đánh giá. Do đó, số lượng học sinh, sinh viên (HSSV) học tập tại trường ngày càng tăng lên, năm học 2008-2009 trường có hơn 500 HSSV (trong đó có 342 HSSV chính quy và hơn 200 sinh viên liên kết đào tạo) thì đến năm học 2014-2015 trường có gần 2.600 HSSV (trong đó có 1.400 HSSV chính quy và gần 1.200 sinh viên liên kết đào tao). Năm 2014, trường tuyển sinh được 523 HSSV chính quy và 765 sinh viên liên kết.


Nhà trường rất quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy đủ cả về số lượng theo cơ cấu ngành nghề đào tạo, nâng dần chất lượng bằng nhiều hình thức. Năm học 2008-2009, trường có 6 thạc sĩ, 16 cử nhân, 1 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị, đến năm học 2014-2015 trường có 31 thạc sỹ, 7 người đang học cao học, 5 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị,... Nhà trường thường xuyên giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, HSSV; kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ.

Hoàn thiện cơ sở vật chất

Ngay từ khi thành lập, Trường đã nhận được rất nhiều sự quan tâm đầu tư từ các bộ, ngành Trung ương đến địa phương. Cơ sở vật chất của Trường dần được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu giảng dạy ngày càng cao. Hiện Nhà trường được giao quản lý sử dụng 35,4 ha đất; đã xây dựng được 2 giảng đường với 42 phòng học, trong đó 33 phòng lý thuyết, 2 phòng tin học và 2 phòng học ngoại ngữ, 5 phòng học thí nghiệm và thực hành,…

Bên cạnh đó, Nhà trường cũng xây dựng một nhà luyện đa năng, một nhà xưởng thực hành, sân vận động, một nhà hội trường lớn đáp ứng chỗ ngồi cho 500 HSSV, một thư viện có 3 phòng đọc và một phòng tra cứu internet. Hệ thống trang thiết bị, máy móc, giáo trình tài liệu thư viện được đầu tư mua sắm đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ đào tạo của Nhà trường và nhu cầu khai thác của HSSV. Ngoài ra trường còn có một khu vườn dành riêng cho ngành học trồng trọt và lâm sinh, với diện tích trên 2 ha để phục vụ cho việc thực tập môn học.

Hiện nay, Trường có thể đáp ứng cho trên 2.000 HSSV theo học mỗi năm. Để đảm bảo chỗ ăn ở cho HSSV, Trường đã cải tạo sửa chữa 2 khu kí túc xá đáp ứng khoảng 700 chỗ ở cho HSSV. Ngoài ra, HSSV là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở các vùng sâu, xa và các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi như miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền trợ cấp xã hội, học bổng chính sách, tiền sinh hoạt phí...

Với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm qua, Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Lai Châu tặng bằng khen, 1 cá nhân được Huân chương Lao động Hạng Ba; 5 cá nhân được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 19 cá nhân được Bằng khen của UBND tỉnh; 4 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh...

Thạc sỹ Lê Quý Toàn, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trong thời gian qua, Trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, song công tác đào tạo nghề của Trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: đóng trên địa bàn tỉnh miền núi còn nghèo, đa số người học là người dân tộc (chiếm 80%) nên trình độ nhận thức, kỹ năng sống còn hạn chế; bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nhất là 2 năm trở lại đây. Hơn nữa, số lượng HSSV theo học ngành sư phạm vẫn chiếm tỉ lệ lớn trong khi Trường chưa có nhiều ngành phù hợp với thực tiễn. Do vậy, để hoạt động đào tạo có hiệu quả hơn nữa, Nhà trường rất mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương, mọi người dân và đội ngũ doanh nghiệp.