ĐỒNG NAI

Huyện Vĩnh Cửu Đưa nền kinh tế phát triển theo chiều rộng và chiều sâu

15:48:44 | 7/7/2017


Thu ngân sách đứng thứ 5/11 huyện, thành phố của tỉnh; chỉ số cải cách thủ tục hành chính đứng thứ 3 toàn tỉnh – Những thành tựu này là kết quả cả một quá trình nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức cùng toàn thể nhân dân huyện Vĩnh Cửu. Trên đà phát triển đó, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung đưa nền kinh tế phát triển theo chiều rộng cũng như chiều sâu, để “vươn vai” xứng tầm với tiến trình CNH-HĐH của nước nhà.

Những “điểm cộng”


Huyện Vĩnh Cửu từng là vùng đất bạc màu, hoang hóa do hậu quả của chiến tranh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà nước và nhân dân huyện Vĩnh Cửu đã chung sức cải tại, khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện; phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở, xây dựng đập thủy điện Trị An; triển khai thực hiện quy hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp đúng định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Các quy hoạch được thực hiện qua các nhiệm kỳ đã đạt được những hiệu quả nhất định. Giao thông đi lại thuận tiện, thu hút các nhà đầu tư sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện có hồ Trị An có giá trị cao với nhiều tiềm năng sử dụng, khai thác như: thủy điện, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, phục vụ nước sinh hoạt và cải thiện môi trường khu vực, khai thác thủy sản trên lòng hồ, định hướng phát triển du lịch. Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế, huyện cũng tập trung quan tâm chỉ đạo, phát triển trên các lĩnh vực văn hóa – xã hội và giữ vững quốc phòng – an ninh của địa phương.

Ngoài ra, xét về mặt vị trí địa lý, huyện Vĩnh Cửu nằm ở phía Bắc tỉnh Đồng Nai, giáp ranh TP. Biên Hòa, có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và là đầu mối hạ tầng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Xác định việc phát triển kinh tế phải gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của khu vực (giữ vững quốc phòng an ninh, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho các tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, nguồn nước để sản xuất điện năng, bảo vệ rừng,…), do vậy trong định hướng phát triển của huyện tập trung phát triển cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, kêu gọi đầu tư sản xuất kinh doanh phải đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Huyện có diện tích đất tự nhiên là 109.570,62 ha, trong đó khoảng 78.000 ha thuộc đất lâm nghiệp và diện tích lòng hồ Trị An phục vụ cho quốc phòng an ninh, bảo vệ rừng và nguồn nước; 15.000 ha thuộc diện tích đất phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản; 500 ha đất phát triển khu/cụm công nghiệp trên địa bàn. Việc phát triển nông nghiệp có ứng dụng công nghệ tiên tiến được xem là một tiềm năng của huyện, trong đó phải kể đến việc phát triển cây ăn trái (nhất là cây bưởi, cây xoài, cam, quýt) kết hợp với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trên cơ sở tăng cường nắm bắt thông tin thị trường, huyện đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; mở rộng diện tích trồng cây nông nghiệp có lợi thế của địa phương, gắn với phát triển mô hình GAP trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Huyện Vĩnh Cửu là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch. Nơi đây có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (Trung ương cục miền Nam, Di tích khu ủy miền Đông Nam bộ, di tích địa đạo Suối Linh); có Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu vực hồ Trị An với đảo Ó, đảo Đồng Trường; tài nguyên du lịch sinh thái, miệt vườn cây ăn trái… là những điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Do vậy, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện; trong đó đẩy mạnh kết nối tuyến du lịch đường sông từ TP.Hồ Chí Minh - Biên Hòa – Vĩnh Cửu, khai thác du lịch hồ Trị An để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái trong tương lai chính là nhiệm vụ trọng tâm và đột phá của huyện.

Trong tiến trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa hiện nay, việc phát triển ngành công nghiệp không khói đang là xu thế tất yếu, không chỉ thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển mà còn góp phần thu hút các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Trên cơ sở Đề án phát triển du lịch huyện Vĩnh Cửu giai đoạn năm 2015-2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, huyện đang kêu gọi đầu tư xây dựng đồng bộ các khu, điểm, tuyến du lịch tại các khu vực tiềm năng theo quy hoạch của Đề án gắn với việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú và các công trình vui chơi giải trí. Một trong những mục đích của khách du lịch đến địa phương, đặc biệt ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai, các khu di tích trên địa bàn huyện là để nghiên cứu tìm hiểu các giá trị về thiên nhiên, lịch sử cách mạng, văn hóa tâm linh, tập tục của đồng bào dân tộc… Do vậy, việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử và các lễ hội truyền thống chính là nhiệm vụ quan trọng. Huyện cũng đã định hướng trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay – ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu nhấn mạnh.

Hiện huyện đang chỉ đạo các ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp phát triển du lịch trên địa bàn nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng, toàn diện, xác định xu hướng phát triển du lịch trên thế giới, trong khu vực, trong nước để trên cơ sở đó xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch có chất lượng, phù hợp và gắn với tiềm năng của địa phương. Để du lịch huyện trở thành điểm sáng trong bản đồ nước nhà, huyện Vĩnh Cửu cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ từ công tác quản lý đến kinh doanh du lịch, hướng đến nền du lịch theo hướng công nghệ xanh - công nghệ sạch. “Là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành và xã hội hóa cao, do vậy hoạt động phát triển du lịch huyện cần phải gắn liền với sự tham gia của cộng đồng dân cư – nơi có tài nguyên du lịch. Vì thế chúng tôi luôn đánh giá cao việc phát triển bền vững du lịch về mặt văn hóa xã hội, kết hợp với tạo việc làm cho cộng đồng. Huyện Vĩnh Cửu cũng rất mong nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng và quảng bá du lịch; tạo điều kiện để địa phương đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện” – ông Phi bày tỏ.