ĐỒNG NAI

Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2: Nhiều dự định lớn cho công cuộc lớn

15:52:56 | 7/7/2017


Là trường công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, được Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Đức và Pháp lựa chọn để hợp tác đầu tư trở thành “trung tâm đào tạo chất lượng cao quốc tế” đầu tiên ở Việt Nam; qua 31 năm thành lập, đến hôm nay Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đã có nhiều đóng góp đáng kể đưa tỉnh cũng như nước nhà hòa nhịp với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Dấu son lớn trong đào tạo nghề của tỉnh


Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 là trường tiên phong trong việc đổi mới đào tạo hội nhập quốc tế, được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho phép thí điểm đào tạo Cao đẳng nâng cao quốc tế từ năm học 2012-2013, là trường đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm đào tạo kỹ sư thực hành từ năm học 2015-2016. Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thêm: “Trong từng công tác, Ban lãnh đạo nhà trường luôn xác định cần phải có sự liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp; hướng đến thực hiện chính sách “đào tạo theo yêu cầu”. Với sách lược đúng đắn này, đơn vị đã gặt hái không ít thành công khi trở thành Hội đồng thành viên trường nghề của Vương Quốc Anh (năm 2004); thành viên Hiệp hội hàn Hoa Kỳ (năm 2008); thành viên của Hiệp hội đào tạo nghề Châu Âu EVBB (năm 2014), đặc biệt nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Lê Văn Hiền, là Chủ tịch Hội đồng quản trị của nhà trường trở thành thành viên ban lãnh đạo sáng lập Hiệp hội nghề Châu Âu. Theo đó, vào năm 2015 đơn vị đã được Thủ tướng cho phép đào tạo thí điểm kỹ sư thực hành level 6 khung 8 bậc của UNESCO – ISCED 2011. Năm 2016 vừa qua chính là bước ngoặt quan trọng của đơn vị khi Lilama 2 đã trở thành là 1 trong 3 trường tự chủ đầu tiên của hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam. Chính nhờ vậy mà trong 2 năm gần đây nhà trường có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, cởi mở và đột phá hơn”

Hiện trường đang đào tạo nhiều ngành, nghề trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt các nghề phục vụ cho công nghệ chính xác, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, với 7 nghề đều đạt chất lượng quốc tế, trong đó 4 nghề theo tiêu chuẩn của Đức, 3 nghề theo tiêu chuẩn của Pháp. Cùng quy mô hơn 4000 sinh viên đa dạng ở các hệ, là đào tạo kỹ sư thực hành; cao đẳng nâng cao quốc tế; cao đẳng; trung cấp; sơ cấp. “Tự hào hơn hết là 100% sinh viên ra trường đều có việc làm và nhiều khi không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Các thế hệ sinh viên ra trường đều làm việc tại các công trình, nhà máy trọng điểm trong nước. Ngoài việc cung cấp nhân lực cho doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đơn vị còn đào tạo hơn 800 giáo viên đào tạo nghề cho 65 trường trong cả nước” - ông Cường cho biết thêm.

Trung tâm đào tạo chất lượng cao quốc tế đầu tiên ở Việt Nam

Cùng với thế mạnh của trường là đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, với những ngành “hot” hiện nay (ngành hàn, cắt gọt kim loại, điện điều khiển, cơ điện tử....), thời gian tới Lilama 2 sẽ tập trung phát triển vào những ngành nghề mũi nhọn của tỉnh là ngành nghề công nghệ cao, nghề công nghiệp phụ trợ. Trường cũng luôn xây dựng đào tạo đi đôi với việc đồng bộ trên cả phần “cứng” và “mềm”. Về phần “cứng”, Lilama 2 sẽ tập trung vào xây dựng các chương trình giáo trình cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế; đào tạo trình độ giáo viên có kiến thức kỹ năng, ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu, đảm bảo triển khai chương trình đào tạo quốc tế với cơ sở vật chất theo chuẩn quốc tế. Về phần “mềm”, trường cũng xác định xây dựng theo hệ thống đảm bảo chất lượng quốc tế, là kiểm soát toàn bộ chất lượng giảng dạy; cộng với thiết lập yếu tố môi trường công nghiệp xanh - sạch - đẹp, đúng chuẩn với môi trường doanh nghiệp, gắn kết với mạng lưới doanh nghiệp, trong đó lãnh đạo là đầu tàu luôn phải dẫn dắt cả hệ thống trường đi những bước đi tốt nhất.

Thời gian tới trường sẽ tiếp tục đầu tư vào trang bị cơ sở vật chất đạt chất lượng Châu Âu, để không chỉ đáp ứng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Đức, mà còn phối hợp với doanh nghiệp để sản xuất theo đơn đặt hàng, cùng giáo viên và sinh viên thực hiện. Trường cũng sẽ tận dụng tối đa lợi thế của các Trung tâm Cơ khí CNC, Trung tâm chế tạo thiết bị, Trung tâm Cơ điện tử… để phối hợp nhận đơn đặt hàng sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp. Thông qua đó không chỉ sinh viên có điều kiện làm trên những sản phẩm thực tế, nâng cao tay nghề mà còn giúp giáo viên có thêm thu nhập - mô hình này hiện đang được triển khai rất hiệu quả. Đặc biệt để chuẩn bị nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng và vận hành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vừa qua trường đã ký kết tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan đẩy mạnh hợp tác để đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật và chuyên gia về lĩnh vực hàng không . “Trong giai đoạn 2016-2020, đơn vị sẽ hướng đến xây dựng thành công mô hình trường chất lượng cao và trung tâm đào tạo chất lượng cao quốc tế đầu tiên ở Việt Nam có 12 ngành đạt trình độ cao đẳng quốc tế; mở rộng và phát triển đào tạo hệ kỹ sư thực hành với 8 ngành trong các lĩnh vực. Giai đoạn 2021-2025 sẽ nhân rộng hệ đào tạo Cao đẳng nâng cao quốc tế và̀ kỹ sư thực hành có chất lượng hàng đầu của khu vực ASEAN; hướng đến hình thành Viện Công nghệ Quốc tế LILAMA2”, ông Cường cho biết.

Hàn Lương