HÀ GIANG

Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Giang: Đổi mới để phục vụ tốt hơn

11:39:39 | 20/11/2017

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những chính sách an sinh xã hội trụ cột của Đảng và Nhà nước. Trước những yêu cầu cải cách, đổi mới theo hướng kiến tạo và phục vụ, BHXH Việt Nam nói chung, BHXH tỉnh Hà Giang đã có nhiều thay đổi từ nhận thức tới hành động, triển khai đồng bộ các giải pháp thu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và triển khai các nghiệp vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người lao động tham gia đóng và thụ hưởng các chế độ độ chính sách. Để hiểu rõ hơn về sự thay đổi này, Tạp chí Vietnam Business Forum có buổi trao đổi với ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc BHXH tỉnh Hà Giang. Trịnh Trung Long thực hiện.

Trong điều kiện khó khăn của tỉnh miền núi, biên giới địa bàn trải rộng, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, để hoàn thành các chỉ tiêu thu BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tỉnh Hà Giang đã triển khai những biện pháp căn cơ nào?

Trước hết, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang trong các mặt hoạt động từ công tác tuyên truyền tới việc hỗ trợ đóng BHYT, BHTN đối với những đối tượng ưu tiên theo quy định. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã ký kết các quy chế phối hợp với các sở, ban ngành liên quan nhằm triển khai thu BHXH, BHYT, BHTN chính xác, kịp thời. Cụ thể, BHXH phối hợp cơ quan Thuế để nắm thông tin, tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp trên địa bàn để có giải pháp thu phù hợp.

Với các trường hợp doanh nghiệp còn nợ BHXH, BHYT, BHXH tỉnh Hà Giang có các giải pháp như: cung cấp danh sách tới cho Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh để thông qua Đảng ủy đôn đốc Đảng bộ, Chi bộ của các doanh nghiệp này chấp hành tốt các chính sách về BHXH. Mặt khác, BHXH các huyện, thành phố, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan như Thanh tra nhà nước, ngành Lao động thương binh xã hội, Liên đoàn lao động, Kho bạc nhà nước... xây dựng kế hoạch thanh tra, thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành, thành lập tổ công tác thu nợ để đôn đốc các đơn vị chấp hành nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Đối với những trường hợp chây ỳ, cố tình không trả nợ, chúng tôi đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, BHXH tỉnh đã phát động các phong trào thi đua, tăng cường hoạt động nghiệp vụ của cán bộ thu, xây dựng định mức đánh giá kết quả công tác của cán bộ thu tại BHXH các huyện, thành phố. Nhờ vậy, công tác thu BHXH, BHYT, BHTN luôn đạt và vượt mức so với chỉ tiêu kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Để thực hiện phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm”, “lấy người tham gia bảo hiểm là đối tượng phục vụ”, BHXH tỉnh Hà Giang đã có những giải pháp quan trọng nào?

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp bảo hiểm cũng như các đối tượng được thụ hưởng từ nguồn quỹ BHXH, thời gian qua BHXH tỉnh Hà Giang đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và tăng cường ứng dụng CNTT trong tất cả hoạt động của ngành.

Nổi bật, BHXH tỉnh đã triển khai giao dịch điện tử đến 100% đơn vị trong toàn tỉnh. Theo đó, doanh nghiệp, người lao động có thể làm các thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT trên nền tảng internet. BHXH tỉnh cũng triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT tới 100% cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trong toàn tỉnh. Thông qua cổng thông tin điện tử về giám định BHYT, BHXH đã tiếp nhận hồ sơ KCB và thực hiện quyết toán dữ liệu giám định BHYT từ quý II/2017.

Không chỉ dừng lại ở việc niêm yết công khai các TTHC của ngành trên trang thông tin điện tử và tại các bộ phận giao dịch, BHXH tỉnh còn cung cấp nhiều tiện ích trên trang thông tin điện của ngành từ tra cứu thủ tục hồ sơ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, tra cứu lương, chức danh nghề nghiệp, thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN, hỗ trợ kê khai BHXH, BHYT....

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh còn quán triệt tới các phòng nghiệp vụ, các BHXH huyện, thành phố trực thuộc giải quyết các TTHC đúng chức năng nhiệm vụ của mình, không tự ý phát sinh thêm giấy tờ, thủ tục ngoài quy định. Song song đó, công tác kiểm tra thực hiện TTHC được thực hiện thường xuyên. Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH cấp huyện kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện TTHC thuộc thẩm quyền.

Hưởng ứng cuộc thi “Sáng kiến cải cách TTHC và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN”, BHXH tỉnh Hà Giang đã có 4 sáng kiến được BHXH Việt Nam công nhận là sáng kiến cấp ngành. Đó là: “Giải pháp ứng dụng CNTT trong tra cứu hệ thống tiền lương, chức danh nghề nặng nhọc độc hại”, “Giải pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đơn vị giao dịch qua mạng internet khi lập hồ sơ tham gia đóng và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT”, Giải pháp “Ứng dụng CNTT trong quản lý hồ sơ lưu trữ” và “Đơn giản hóa quy định về hồ sơ và quy trình trong giải quyết hưởng chế độ tử tuất”. Các sáng kiến này được áp dụng trong hệ thống BHXH tỉnh Hà Giang đã giúp rút ngắn được thời gian xử lý nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi và giúp cho các đơn vị sử dụng lao động, người lao động không phải đi lại nhiều lần để giao dịch với cơ quan BHXH.