Các khu kinh tế, công nghiệp (KKTCN) tỉnh Thừa Thiên Huế đang ngày càng thu hút sự quan tâm và lựa chọn của các nhà đầu tư. Với vai trò quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ hành chính công và các dịch vụ hỗ trợ cho nhà đầu tư, Ban Quản lý KKTCN tỉnh cũng luôn đồng hành, hỗ trợ dự án trong suốt quá trình triển khai và hoạt động. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Tạp chí Vietnam Business Forum với ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban Quản lý các KKTCN tỉnh.
Một vài chia sẻ của ông về bức tranh KKTCN tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay, đặc biệt là những cơ chế, chính sách ưu đãi nổi bật với nhà đầu tư?
Nằm ở Vùng Duyên hải miền Trung, tỉnh Thừa Thiên Huế có 6 KCN với diện tích gần 2.400 ha và KKT Chân Mây-Lăng Cô (KKT ven biển) với diện tích 27.108 ha.
Các KKTCN Thừa Thiên Huế nói chung và là KKC Chân Mây - Lăng Cô nói riêng nằm ở vị trí thuận lợi: Có tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam đi qua; có cảng nước sâu Chân Mây - “cửa ngõ” ra biển Đông gần nhất của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, có khả năng tiếp nhận tàu hàng đến 50.000DWT và tàu khách du lịch lớn nhất thế giới (225.000GT); có sân bay Quốc tế Phú Bài; có Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, biển Lăng Cô là một trong 30 vịnh đẹp của Thế giới. Thừa Thiên Huế còn là trung tâm văn hóa - du lịch, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao của cả nước. Trong những năm gần đây, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư, nhất là các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A thành 4 làn xe; dự án xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia đi vào hoạt động đã kết nối nhanh chóng các KKTCN của Thừa Thiên Huế với các tỉnh, thành phố trong Vùng,...
Khi đầu tư vào KKT Chân Mây - Lăng Cô và các KCN trên địa bàn, nhà đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các dự án còn được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh như: Đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp nước, công trình đầu mối xử lý nước thải…), giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn, đào tạo lao động, xúc tiến đầu tư,... Đặc biệt, với cơ chế “một cửa, một đầu mối”, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ hướng dẫn và giải quyết các thủ tục hành chính tại Ban Quản lý KKTCN tỉnh với thời gian được rút ngắn hơn so với quy định.
Chính vì các lợi thế và chính sách ưu đãi đầu tư đó, đến nay, các KKTCN đã thu hút 142 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 94.500 tỷ đồng; gồm 31 dự án FDI với số vốn 62.111 tỷ đồng, 111 dự án DDI với vốn đầu tư 32.395 tỷ đồng; trong đó có nhiều dự án của các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu như: Tập đoàn Banyan Tree (Singapore), Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Công ty Cổ phần Quốc tế Minh Viễn, Tập đoàn Phương Trang, Tập đoàn Kim Long Nam, Tập đoàn Carlsberg, Tập đoàn Scavi, Tập đoàn Shanghai Baosteel…
Ông có nhận định thế nào về kết quả thu hút đầu tư và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại các KKTCN tỉnh Thừa Thiên Huế?
Trong những năm gần đây, nhờ một số lợi thế như đã nêu trên, đặc biệt là công tác cải cách hành chính đã được Ban quản lý KKTCN đặc biệt chú trọng nên kết quả thu hút đầu tư tăng nhanh qua các năm. Nếu như cuối năm 2017, tổng vốn đầu tư còn hiệu lực tại các KKTCN đạt 64.959 tỷ đồng thì đến cuối năm 2018 đã đạt 90.973 tỷ đồng (tăng 89,9%) và dự kiến năm 2019, sẽ thu hút 10 nghìn tỷ đồng.
Trong những năm qua, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản ổn định và phát triển. Các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, giá trị xuất khẩu, nộp ngân sách đều tăng trưởng. Cụ thể như năm 2018, địa bàn khu KKCN có 195 doanh nghiệp hoạt động với doanh thu 25.920 tỷ đồng, tăng 10,8% so năm 2017; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 18.556 tỷ đồng, tăng 12,8%; giá trị xuất khẩu đạt 710 triệu USD, tăng 10%; nộp ngân sách 2.378 tỷ đồng, tăng 11,6%... và tạo 30 nghìn việc làm.
Hiện một số địa phương đang đẩy mạnh xúc tiến thu hút doanh nghiệp lớn có tiềm lực, dự án có công nghệ và suất đầu tư cao. Với Thừa Thiên Huế, ông có nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Những năm qua, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh xúc tiến thu hút doanh nghiệp lớn có tiềm lực, dự án có công nghệ và suất đầu tư cao. Cụ thể như: dự án Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) với vốn đầu tư 2 tỷ USD, dự án hạ tầng KCN và Khu phi thuế quan Sài Gòn Chân Mây của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn với vốn đầu tư 2.583 tỷ đồng, dự án sản xuất, lắp ráp ô tô của Tập đoàn Kim Long Nam với vốn đầu tư 3.330 tỷ đồng, dự án sản xuất bia và đồ uống không cồn của Tập đoàn Carlsberg với vốn đầu tư 1.978 tỷ đồng, dự án sản xuất hàng may sẵn và trang phục lót cao cấp của Tập đoàn Scavi với vốn đầu tư 250 tỷ đồng, dự án sản xuất lon bia của Tập đoàn Shanghai Baosteel với vốn đầu tư 1.855 tỷ đồng.
Việc thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực triển khai các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại tạo cơ hội, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động đến môi trường; đồng thời, hạn chế tình trạng dự án chậm triển khai do nhà đầu tư không có năng lực.
Trân trọng cảm ơn ông!
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI