Lào Cai là tỉnh thứ 2 trong cả nước phê duyệt Đề án Mỗi xã một sản phẩm – Chương trình OCOP. Sau hơn 2 năm thực hiện, tỉnh đã đánh giá, công nhận được 52 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Có được sản phẩm đạt sao OCOP là điều kiện để nâng tầm sản phẩm, mở rộng thị trường,“đánh thức” và phát triển ngành du lịch đã và đang được các địa phương quan tâm, có nhiều chính sách khuyến khích phát triển và có định hướng lâu dài.
Nâng cấp sản phẩm OCOP
Theo thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 220 sản phẩm lợi thế, thuộc 6 nhóm sản phẩm khu vực nông thôn theo Chương trình OCOP. Trong đó, nhóm thực phẩm có 115 sản phẩm; nhóm đồ uống có 36 sản phẩm; nhóm thảo dược có 28 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 12 sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 9 sản phẩm và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 22 sản phẩm. Với nhiều sản phẩm, bước đầu có sự hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, quảng bá cũng như xây dựng thương hiệu. Với các hạng sản phẩm từ 1 sao tới 5 sao, sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là những điều kiện để Lào Cai nâng tầm các sản phẩm đã được đánh giá.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP được xem là chương trình lớn nhất từ trước đến nay về đánh giá các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp trong cả nước. Thời điểm này, các địa phương đang xây dựng mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, mục tiêu về phát triển các sản phẩm chủ lực trở thành sản phẩm OCOP các cấp đều được tính tới, với kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới cho nông thôn Lào Cai.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Trên cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh của mỗi địa phương, gắn với chế biến để xây dựng các sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 52 sản phẩm được công nhận cấp sao OCOP cấp tỉnh ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của tỉnh cho chương trình lớn của quốc gia. Không chạy theo thành tích, không chạy theo số lượng, các sản phẩm được xét đánh giá, công nhận hội đủ các điều kiện được cấp sao theo khung điểm của Trung ương. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm chè hữu cơ Bản Liền đủ điều kiện tham gia chấm điểm cấp quốc gia. Phần còn lại chủ yếu là các sản phẩm 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Khi đã có sản phẩm được công nhận thì vấn đề nâng tầm sản phẩm đang được các địa phương tính đến. Trong thời gian tới Lào Cai phấn đấu có thêm 40 đến 50 sản phẩm OCOP để tiếp cận, cạnh tranh với thị trường
Kết quả đó bước đầu khẳng định phát triển các chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực là hướng đi phù hợp, phát huy được thế mạnh, lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Tuy nhiên, số lượng các sản phẩm nông sản được sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP còn khiêm tốn so với tiềm năng và điều kiện tự nhiên của tỉnh; quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ. Chưa có chính sách đặc thù và đủ mạnh để khuyến khích, hỗ trợ cho các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, liên kết thành chuỗi nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; chưa có nhiều doanh nghiệp/HTX đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp tạo đầu tàu, động lực để thu hút người dân vào cuộc – Ông Tuấn nói
Điểm nhấn du lịch
Huyện Bắc Hà – Lào Cai có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, bản sắc văn hóa đặc trưng, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu... Đây là tiềm năng, lợi thế lớn để huyện phát triển các sản phẩm OCOP nhằm thu hút khách du lịch.Thời gian tới, địa phương này sẽ tập trung triển khai hiệu quả Dự án Làng văn hóa du lịch cộng thôn Na Lo, xã Tà Chải. Đây là một trong 10 thôn điểm của cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn triển khai trong Chương trình OCOP.
Đồng thời, Bắc Hà sẽ đầu tư hình thành rõ nét các vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng (vùng cây ăn quả ôn đới, dược liệu, chè hữu cơ, sản xuất ứng dụng công nghệ cao,...), xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch làng bản kết nối với các vùng sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực là người địa phương về kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp tham gia liên kết các tour du lịch. Việc quan tâm, đầu tư và tham gia “sân chơi” OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch các địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.
Theo bà Chu Thị Dương – PCT UBND huyện Bắc Hà chia sẻ : xác định Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để phát triển các sản phẩm OCOP một cách bền vững, phát huy thương hiệu và thế mạnh của sản phẩm này, huyện Bắc Hà đã và đang tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình OCOP. Từ đó, kích thích tiêu thụ sản phẩm tham gia chương trình, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của từng xã.
Giai đoạn đến 2030, Bắc Hà định hướng hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm; phát triển mới 22 sản phẩm theo lợi thế của từng địa phương; đồng thời, xác định các sản phẩm không chỉ sản xuất ở 01 xã, 01 doanh nghiệp mà phải nhân rộng, tạo sản phẩm đa dạng, khối lượng lớn, chất lượng cao nhằm tạo động lực thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc