Không chỉ tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp, sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Sở Công thương còn luôn đồng hành trong việc xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư, hỗ trợ các hoạt động sản xuất-kinh doanh trên địa bàn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Thọ chia sẻ với phóng viên Vietnam Business Forum.
Một vài chia sẻ của ông về điểm nhấn nổi bật trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Phú Thọ?
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Công thương Phú Thọ đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh và đạt được kết quả khả quan: Tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp-xây dựng đạt 10,2/năm%; ngành dịch vụ 7,25%/năm... Sản xuất công nghiệp đã thu hút được một số dự án đầu tư quy mô lớn, sản phẩm ngày càng đa dạng hóa về chủng loại, mẫu mã và chất lượng được nâng cao. Hoạt động khuyến công được chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Hạ tầng thương mại được đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, chương trình phát triển, xúc tiến thương thương mại được khẳng định. Thương mại nội địa không ngừng phát triển, mạng lưới phân phối được mở rộng, nhiều mô hình văn minh, hiện đại được triển khai phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng. Hoạt động thương mại đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường. Giá trị xuất khẩu tăng trưởng cao qua các năm, bình quân 30,2%/năm...
Tuy nhiên sự phát triển của ngành vẫn còn một số hạn chế như: Hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ; hạ tầng điện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển do một số dự án về đường dây, trạm biến áp 110kV triển khai chậm; sản xuất công nghiệp phát triển chưa thực sự bền vững, chủ yếu gia công lắp ráp, hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Các hoạt động dịch vụ-du lịch phát triển chưa tương xứng lợi thế, tiềm năng. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao nhưng giá trị tăng thấp, đóng góp thu ngân sách còn hạn chế nên chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành đã, đang tham mưu, thực hiện giải pháp, hoạt động nào nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống Covid-19 hiệu quả vừa khôi phục, phát triển các sản xuất-kinh doanh?
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Phú Thọ; Sở Công thương đã chủ động tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến sản xuất kinh doanh và cung-cầu, giá cả hàng hóa.
Ngay khi dịch Covid-19 mới bùng phát trong đầu năm 2020, Sở đã tham mưu xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) và Phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề xuất phương án dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trong thời gian dịch bệnh xảy ra nhằm chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao khi xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Sở cũng tham mưu, thực hiện một số giải pháp, khuyến khích doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, tạo nguồn hàng dự trữ đảm bảo số, chất lượng, ổn định giá bán, tổ chức cung ứng kịp thời tại các điểm bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng; kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, găm hàng, đầu cơ tích trữ, kinh doanh, vận chuyển hàng giả,... ; kịp thời hỗ trợ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thiết yếu ở mức độ tiêu dùng tối thiểu cho nhân dân ở khu vực bị cách ly do dịch bệnh.
Ngoài ra, Sở còn tham mưu cho UBND tỉnh các phương án xảy ra khi tình hình dịch bệnh có xu hướng tiến triển không tốt; một số các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh; phối hợp chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị và doanh nghiệp trên địa bàn triển khai các giải pháp để từng bước vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo an toàn, hiệu quả vừa thúc phát triển sản xuất-kinh doanh.
Theo ông đâu là những tiềm năng, định hướng thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ giai đoạn 2021-2025?
Những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật trên địa bàn tỉnh đang ngày càng được phát triển, hoàn thiện. Việc triển khai xây dựng, hoàn thành một số dự án giao thông là điều kiện để tận dụng lợi thế, cơ hội để thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển công nghiệp thời gian tới.
Để tạo sức hút với các nhà đầu tư, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng “sạch” cho doanh nghiệp. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Thọ triển khai lập phương án để tích hợp quy hoạch tỉnh đối với các khu cụm công nghiệp. Theo đó, trên địa bàn tỉnh sẽcó 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.500 ha và 11 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.985 ha.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã áp dựng nhiều cơ chế ưu đãi, cởi mở; hỗ trợ tạo điều kiện để nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả. Các cấp, ngành cũng không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai các thủ tục hành chính thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ngành để doanh nghiệp dễ dàng truy cập, nghiên cứu, lựa chọn đầu tư... Đó là tiềm năng, cơ hội để nhà đầu tư đến Phú Thọ, trong đó có các dự án về công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Trên nguyên tắc thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên thu hút nhà đầu tư có năng lực, phù hợp với danh mục các dự án, lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư, tỉnh Phú Thọ sẽ đa dạng hóa các hình thức đầu tư; khuyến khích nhà đầu tư lớn trong nước đầu tư theo hình thức BT, BOT, BTO nhằm phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ; từ đó tiếp tục phát huy các tiềm năng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút nhiều ngành nghề sản xuất công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng dự án có hàm lượng công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; thân thiện môi trường và sử dụng lao động hợp lý. Cụ thể là ưu tiên các ngành, sản phẩm công nghiệp có vùng nguyên liệu và thị trường truyền thống như: Chế biến chè; chế biến giấy; bia; phân bón; vật liệu xây dựng; dệt may-da giày; chế biến gia súc, gia cầm... và khuyến khích dự án có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề để đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp ở nông thôn. Trong quá trình chuyển giao công nghệ, khuyến khích, tranh thủ tối đa việc tiếp nhận thiết bị và công nghệ tiên tiến; kiên quyết ngăn chặn việc nhập công nghệ lạc hậu, hao phí nhiều năng lượng. Tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương xung quanh, nhằm hạn chế tình trạng cục bộ, đầu tư chồng chéo, cạnh tranh không cần thiết làm triệt tiêu nội lực phát triển của các địa phương trong Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Phú Thọ luôn khuyến khích phát triển các loại hình thương mại, trong đó thương mại nhà nước giữ chủ đạo, định hướng, thương mại ngoài nhà nước là nòng cốt và động lực phát triển, đảm bảo cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và ổn định thị trường. Phát triển đồng bộ các cơ cấu của ngành thương mại bao gồm các phân ngành đại lý uỷ quyền, bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền thương mại trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh của tỉnh, trong đó bán buôn là chủ đạo. Ngoài ra, việc phát triển thương mại phải gắn liền với phát triển du lịch và dịch vụ, đưa thương mại-dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có tốc độ phát triển nhanh hơn tốc độ tăng của GRDP...
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum