LẠNG SƠN

Huyện Cao Lộc: Tập trung phát triển thương mại - dịch vụ

09:59:48 | 10/5/2021

Với trên 75 km đường biên giới với Trung Quốc, có Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Ga Đồng Đăng… huyện Cao Lộc đã phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển thương mại - dịch vụ. Có thể nói việc đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ thời gian qua đã đưa Cao Lộc từ huyện nghèo trở thành một trong những huyện phát triển của tỉnh Lạng Sơn.

Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc

Cao Lộc nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn, phía bắc của huyện là ranh giới quốc gia với CHND Trung Hoa, phía tây bắc giáp với huyện Văn Lãng, phía Tây và Tây Nam giáp với các huyện Văn Quan và Chi Lăng, phía Nam và Đông Nam giáp với các huyện Chi Lăng, Lộc Bình. Bên cạnh đó, theo giới hạn địa lý, hiện tại huyện Cao Lộc bao bọc thành phố Lạng Sơn.

Huyện Cao Lộc có hai cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Ga Đồng Đăng cùng các cặp chợ biên giới quan trọng; có các trục giao thông đường bộ và đường sắt quốc tế, quốc lộ 1A, 1B, 4B, 4A liên kết với tất cả các huyện, với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Thành phố Lạng Sơn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Lạng Sơn nằm gần như hoàn toàn trong phạm vi địa giới của huyện Cao Lộc, đây còn là vùng kinh tế động lực của tỉnh nên đã tạo lợi thế to lớn cho huyện Cao Lộc trong phát triển kinh tế - xã hội và khẳng định tầm quan trọng về quốc phòng - an ninh không chỉ đối với Lạng Sơn mà còn đối với toàn quốc. Đây là những tiền đề tạo cho Cao Lộc sức bật và năng động đổi mới.

Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: “Giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của huyện là lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Những năm gần đây, thị trường hàng hóa, dịch vụ cơ bản ổn định và phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Trong thời gian tới, huyện tập trung phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành dịch vụ có thế mạnh. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh hệ thống doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Mở rộng các hình thức trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tiếp cận thị trường, tạo môi trường thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật… Việc phát triển thương mại, dịch vụ sẽ gắn với cải thiện hạ tầng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là bà con những khu vực khó khăn, thôn bản giáp biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…” .

Những năm qua, hoạt động giao lưu, trao đổi hàng hóa, sản phẩm giữa Cao Lộc với các vùng lân cận phát triển hơn. Mạng lưới giao thông nối liền các xã, thị trấn trong huyện cũng đang từng bước được hoàn thiện. Đáng chú ý, việc triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại - dịch vụ, sức mua hàng hóa ngày một tăng cao. Các cơ sở hoạt động thương mại - dịch vụ tập trung vào các lĩnh vực chính như: nhà hàng, dịch vụ vận tải, kinh doanh tạp hóa, dịch vụ vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ khám chữa bệnh…

Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, Đảng ủy, UBND huyện Cao Lộc đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, nâng cao chất lượng các ngành thương mại - dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia. Trong đó, huyện ưu tiên các doanh nghiệp, doanh nhân, tiểu thương tham gia các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn; khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ, khu buôn bán đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh. UBND huyện tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch thu hút các dự án đầu tư như: Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Cửa khẩu Hữu Nghị (đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị); Khu trung chuyển hàng hoá tại xã Phú Xá và xã Thụy Hùng với tổng diện tích dự án giai đoạn 1 là 58,15 ha; Khu chế xuất 1 với diện tích 126,38 ha; Cụm công nghiệp Hợp Thành 1, Hợp Thành 2 và khu tái định cư Hợp Thành trên 80 ha; Khu hành chính Đồng Đăng 21,6 ha… Khi được đưa vào khai thác sử dụng, các dự án này sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Huyện Cao Lộc đã được công nhận 6 điểm du lịch gồm: Đền Mẫu Đồng Đăng; Chùa Bắc Nga; Nhà bia Thủy Môn Đình; Du lịch thương mại Chợ Đồng Đăng; Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Ga quốc tế Đồng Đăng, đồng thời giới thiệu kết nối 7 tuyến du lịch huyện Cao Lộc với các điểm du lịch, di tích lịch sử, di tích văn hoá và các danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, huyện tiếp tục duy trì thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính năm 2021; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc cơ chế "một cửa" và “một cửa liên thông"; các thủ tục hành chính đã được niêm yết đầy đủ. Ban hành Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính áp dụng cho việc đánh giá kết quả thực hiện hàng năm đối với các cơ quan, đơn vị; thành lập Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính với 8 phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, 8 xã, thị trấn. Tiếp tục thực hiện các giải pháp thiết thực cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn nâng cao chất lượng thực thi công vụ, ứng dụng thành công phần mềm quản lý văn bản điều hành; kiểm tra công vụ, kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2021.

Nguồn: Vietnam Business Forum