Cùng với nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và chăm lo đời sống người dân; tỉnh Thái Bình đang triển khai nhiều đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khơi thông mọi nguồn lực nhằm xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình – ông Nguyễn Khắc Thận chia sẻ xung quanh vấn đề này. Ngô Khuyến thực hiện.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong các tháng đầu năm 2021 nhưng tỉnh Thái Bình đã quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” và đạt nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế. Ông có thể cho biết rõ hơn về những kết quả đạt được?
Trong các tháng đầu năm 2021, tỉnh Thái Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19. Với phương châm nắm chắc diễn biến tình hình; tích cực, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc “3 trước”, “4 tại chỗ”, “5K + vắc xin”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế và quản lý, theo dõi sức khỏe cộng đồng dân cư... nên cho đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt. Tính đến 18/11/2021, trên địa bàn tỉnh có 525 ca nhiễm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, để chủ động đối phó với sự phức tạp của dịch bệnh, tỉnh đã kích hoạt 3 bệnh viện với hơn 900 giường bệnh để thu dung điều trị bênh nhân covid-19. Tỉnh cũng đã hoàn thành 21 đợt tiêm vắc xin với 1.215.172 mũi tiêm, trong đó 168.235 người tiêm đủ 2 mũi.
Cuộc sống được bảo vệ an toàn nên người dân yên tâm tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần quan trọng đưa GRDP của tỉnh 9 tháng đầu năm tăng 5,91% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá với giá trị sản xuất đạt 19.963 tỷ đồng, bằng 70,1% kế hoạch năm và tăng 2,4% so cùng kỳ năm 2020. Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; có 04 xã được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao. Tỉnh cũng xây dựng ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện "Thắp sáng đường quê". Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) triển khai tích cực, có 17 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 4 sao.
Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi. Chỉ số sản xuất 9 tháng tăng 13,4%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 55.451 tỷ đồng, bằng 69,3% kế hoạch năm, tăng 15% so cùng kỳ. Công tác quy hoạch khu kinh tế được triển khai mạnh mẽ; đã tiến hành rà soát lập đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung khu kinh tế. Tỉnh cũng đã điều chỉnh quy mô diện tích và bổ sung ngành nghề phù hợp cho một số khu công nghiệp.
Hoạt động thương mại, dịch vụ khá ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng giảm 0,04%. Giá trị sản xuất khu vực dịch vụ tăng 3,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 36.559 tỷ đồng, tăng 7,2%; xuất nhập khẩu đạt 1.578 triệu USD, bằng 99% kế hoạch năm, tăng 45%; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.354 triệu USD, bằng 99,1% kế hoạch năm, tăng 46,2%. Tổng thu ngân sách thực hiện 15.728 tỷ đồng, đạt 107,4% dự toán, tăng 8%, trong đó thu ngân sách địa phương thực hiện 13.198,5 tỷ đồng, đạt 108,2% dự toán và 99,7% so cùng kỳ.
Trong 9 tháng, tỉnh đã phê duyệt, điều chỉnh chủ trương hoặc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư 59 dự án (30 mới và 29 điều chỉnh) với tổng vốn đăng ký 16.723 tỷ đồng (gấp 4,5 lần cùng kỳ năm 2020); đồng thời cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 611 doanh nghiệp và 60 chi nhánh, văn phòng đại diện, đưa toàn tỉnh có 7.733 doanh nghiệp, 921 chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký 97.529 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, kết quả đạt được trên tuy còn khiêm tốn nhưng đã tạo niềm tin, động lực để tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 và các năm tiếp theo.
Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI và đẩy mạnh thu hút đầu tư sẽ được tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện như thế nào trong giai đoạn tới, thưa ông?
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 05/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX, nhiệm kỳ 2016 -2020, tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả quan trọng: Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện rõ rệt, thu hút đầu tư vào tỉnh tăng; chỉ số7 PCI giai đoạn 2016-2020 liên tục tăng, năm 2016 tỉnh xếp hạng thứ 40, đến năm 2020 tỉnh xếp hạng 25 (tăng 15 bậc so với năm 2016); chất lượng giải quyết các TTHC trong lĩnh vực đầu tư được nâng lên... Tuy vậy, việctổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 và hiệu quả thu hút đầu tư vẫn được xác định là chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có và chưa đáp ứng được mong muốn của các cấp lãnh đạo tỉnh cũng như người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra và cơ hội mới, mục tiêu mới của tỉnh cần phải bổ sung nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quan trọng hơn là thu hút nhiều dự án đầu tư trên các lĩnh vực vào tỉnh nhà trong 5 năm tới.
Do vậy, Tỉnh ủy Thái Bình thống nhất ban hành Kết luận số 22-KL/TU ngày 08/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) với việc bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ, giải pháp mới bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng; chú trọng mục tiêu phấn đấu trong lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có so sánh với các địa phương trong cả nước; bổ sung thêm các giải pháp về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, nâng cao năng lực xúc tiến đầu tư bảo đảm chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn. Nghị quyết cũng bổ sung thêm các giải pháp về nâng cao năng lực, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ; đặc biệt quan tâm cải tiến khâu thực hiện TTHC về đầu tư, trong xét duyệt hồ sơ thu hút đầu tư và cần có tư duy, cách làm mới, phương pháp mới nhất là đối với những dự án lớn mang tầm chiến lược...
Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh và tạo bứt phá phát triển những năm tới, tỉnh đang triển khai các chương trình, đề án nào?
Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong năm 2021, UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành xây dựng một số chính sách thúc đẩy phát triển thị trường hàng hoá, dịch vụ như: “Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 của tỉnh Thái Bình”; “Đề án đẩy mạnh xuất khẩu tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025”; “Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025”; “Đề án phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025”…Một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư đã và sẽ được ban hành trong năm 2021 (như: Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cơ chế chính sách hỗ trợ dự án đầu tư; xử lý rác thải sinh hoạt,…); thành lập tổ công tác đặc biệt của tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân, tỉnh đã, đang triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án nhằm khuyến khích đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội như: “Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình năm 2021”; “Chương trình phát triển đô thị và Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030”…
Để tăng cường giúp người lao động đang gặp khó khăn về việc làm do chịu tác động của dịch covid-19; trong năm 2021, tỉnh cũng đang chỉ đạo các sở, ngành, các đơn vị tổ chức xây dựng, triển khai một số đề án hỗ trợ người lao động của đơn vị mình như: “Đề án đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành giáo dục Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”; “Chương trình việc làm và chương trình an toàn vệ sinh lao động tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025”; “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”…
Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, đề án để phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ như: “Đề án phát triển khoa học công nghệ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; “Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Thái Bình”; “Đề án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; “Chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025”…
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum