HỒ CHÍ MINH

TPHCM: Sản xuất công nghiệp 'vượt bão COVID', lạc quan đón cơ hội 2022

07:50:17 | 4/1/2022

Những tháng cuối năm 2021, sản xuất công nghiệp tại TPHCM phục hồi đến khó tưởng tượng. Chỉ sau 3 tháng vừa từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch, vừa linh hoạt điều chỉnh chiến lược thích ứng an toàn với COVID-19, doanh nghiệp ở các lĩnh vực trọng điểm của Thành phố đã cơ bản phục hồi và hiện đang triển khai những dự án mới, đón bắt cơ hội của năm 2022.


Công nhân, kỹ sư của Cơ khí Đại Dũng tăng tốc sản xuất để chuẩn bị cho những dự án mới. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Trụ vững qua đại dịch

Làn sóng dịch thứ 4 đã gây ra những tác động tiêu cực chưa từng có trong lịch sử phát triển của Thành phố kể từ khi cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới. Giữa tháng 7/2021, toàn Thành phố chỉ còn khoảng 500 doanh nghiệp đủ điều kiện vừa sản xuất, vừa cách ly. Nhưng khó khăn trở thành yếu tố “lửa thử vàng” với sức chống chịu của doanh nghiệp.

Ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Đại Dũng, có trụ sở tại quận Tân Bình nói rằng, giai đoạn dịch bệnh phức tạp nhất, tháng 7 và tháng 8, hoạt động sản xuất ở nhà máy tại Bình Chánh có giảm công suất để cung cấp 2 trạm oxy lỏng cho các bệnh viện dã chiến trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, một bộ phận kỹ sư, công nhân đã được sắp xếp tham gia thi công 2 bệnh viện dã chiến số 7 và Bình Chánh. Khó khăn từ dịch bệnh đến sản xuất, thi công là không tránh khỏi.

Nhưng cả 2 nhà máy sản xuất cơ khí quy mô lớn đứng chân ở địa bàn tâm dịch là TPHCM và Long An, không có ngày nào phải ngưng sản xuất do doanh nghiệp tổ chức “3 tại chỗ” theo hướng dẫn của chính quyền và ngành y tế.

Ở giai đoạn giãn cách tăng cường cuối tháng 8, ông Dũng nói, doanh nghiệp được sự hỗ trợ tích cực từ Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp trong tháo gỡ vấn đề lưu thông nên hoạt động sản xuất và thi công, cung cấp các dịch vụ vận tải ra cảng xuất hàng của doanh nghiệp cho các công trình tại miền Bắc, miền Trung rất thuận lợi, không đơn hàng nào bị gián đoạn. Thậm chí các đơn hàng cơ khí xuất khẩu phục vụ thi công các dự án điện tại Mexico vẫn bảo đảm thời gian giao hàng.

Một doanh nghiệp khác chuyên sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TPHCM là Công ty CP Cơ khí Duy Khanh cũng cho biết đã duy trì cung ứng linh kiện cho các đối tác FDI suốt giai đoạn cao điểm làn sóng dịch thứ 4. Doanh thu năm 2021 của Cơ khí Duy Khanh cao hơn so với năm 2020 nhưng ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty nói rằng, lợi nhuận kinh doanh giảm vì chi phí sản xuất tăng rất cao do nguyên liệu đầu vào tăng giá, nhất là chi phí phát sinh từ phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, thành công nhất, theo ông Tống, là doanh nghiệp đã bảo toàn nhân sự trong biến động của dịch bệnh. “Đối với ngành cơ khí thì nguồn lực quan trọng nhất chính là nhân lực chất lượng cao. Cho nên dù dịch bệnh gây khó khăn, chi phí nhân công tăng cao nhưng chúng tôi đã chăm lo cho người lao động trong khả năng tốt nhất của doanh nghiệp, giữ chân được lao động có tay nghề”, ông Tống nói.

Đó cũng là tâm thế của nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề khác, nhờ giữ chân được người lao động trong những tháng giãn cách xã hội nên sự phục hồi, bắt nhịp sản xuất rất nhanh. Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội May - Thêu - Đan TPHCM, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, các đơn vị thành viên đã phục hồi 85%. Ngay khi Thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách, doanh nghiệp hội viên lên phương án tổ chức đón người lao động trở lại. Từ đề xuất của các doanh nghiệp, ngành y tế Thành phố triển khai rất nhanh các phương án tiêm vaccine cho lao động trở lại. “Sớm ổn định lao động nên chúng tôi bắt nhịp phục hồi nhanh. Thậm chí hiệu suất cao chưa từng có. Như Việt Thắng Jean, chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch năm từ 15/12, tức là về đích sớm hơn 10 ngày”.


Việt Thắng Jean về đích sớm và bắt đầu sản xuất hàng Xuân - Hè từ 15/12/2021. Ảnh: VGP/Băng Tâm

“Năm 2022 sẽ không còn thời gian để thở, vì sẽ rất nhiều việc”

Mấy chục năm làm nghề, ông Phạm Văn Việt nói rằng chưa bao giờ thấy năng suất lao động cao như 3 tháng cuối năm 2021. Chỉ sau 1 tháng TPHCM gỡ bỏ dần các biện pháp giãn cách, doanh nghiệp đã nâng công suất lên 130%, nhờ vậy tăng trưởng năm 2021 tăng 15% so với 2020 và thậm chí đã tăng 3% so với năm 2019 - trước khi dịch bệnh bùng phát.

Với tốc độ hồi phục chung của các doanh nghiệp trong ngành, theo ông Việt, ngành dệt may đã cán đích xuất khẩu 39 tỉ USD, riêng các doanh nghiệp tại TPHCM đóng góp 3,4 tỉ USD. Ông Việt dự báo, khi các thị trường lớn đang phục hồi, ngành dệt may có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD trong năm 2022.

Tín hiệu khả quan về nhu cầu thị trường cũng đến với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Ông Đỗ Phước Tống cho biết, dự án nhà máy sản xuất công nghệ cao của doanh nghiệp vừa khởi công đầu tháng 10/2021 nhưng liên tục nhận được mẫu đặt hàng của doanh nghiệp FDI như Nidec, TTi…

“Đây là tín hiệu vui đối với sản phẩm mình đầu tư, lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu phát triển trên cơ sở hợp tác, chuyển giao công nghệ của nước ngoài. Chúng tôi đẩy tối đa tiến độ thi công dự án để đưa nhà máy vào sản xuất trong quý 2/2022”, ông Tống cho biết quyết tâm.

Dự án mới của Cơ khí Duy Khanh sẽ sản xuất các chi tiết rất nhỏ lắp ráp vào hệ thống chuyển động công nghiệp, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, hiện chưa có doanh nghiệp trong nước sản xuất. Những linh kiện như vậy đang được nhập từ Đài Loan, Nhật Bản nên doanh nghiệp sản xuất trong nước có nguồn lực và mạnh dạn đầu tư thì hoàn toàn có thể đón bắt cơ hội phát triển. Đó là lý do ông Tống nói doanh nghiệp đang chạy hết công suất, “nói thì hơi quá nhưng năm 2022 sẽ không còn thời gian để thở, vì sẽ rất nhiều việc”.

Còn với Cơ khí Đại Dũng đã ghi dấu ấn về uy tín, chất lượng sản phẩm và thi công công trình của ngành cơ khí Việt sau khi hoàn thành thi công kết cấu thép cho 2 sân vận động Lusail và sân vận động Ras Abu (phục vụ cho World Cup 2022 ở Qatar) có giá trị hơn 80 triệu USD. Ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Đại Dũng cho biết, ngay sau khi hoàn thành các dự án trên, doanh nghiệp có thêm các đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc đặt vấn đề thiết kế và thi công các dự án cho năm 2025. Ông Dũng nói rằng, nỗ lực của doanh nghiệp vượt qua khó khăn dịch bệnh được các đối tác quốc tế đánh giá cao và cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt đang rộng mở ngay trước mắt. Thậm chí có đơn hàng đã ký với đối tác từ Mỹ nhưng ông Dũng chưa thể tiết lộ vì cam kết bảo mật với khách hàng.

Thời cơ rộng mở sau đại dịch nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đón bắt được cơ hội. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của các doanh nghiệp đầu ngành trong việc dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ vừa vừa vực dậy, thông qua việc có tiếng nói đề xuất những cơ chế thiết thực giúp doanh nghiệp phục hồi, thông qua việc tạo ra hệ sinh thái để doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành tham gia chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh cho Thành phố trong bối cảnh mới.

Trao đổi với Báo điện thử Chính phủ về sự phục hồi sản xuất công nghiệp sau 3 tháng mở cửa, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, sản xuất, dịch vụ, lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn về cơ bản đang trở lại hoạt động bình thường. Điều này cũng cho thấy Thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Không khí sản xuất, kinh doanh trở lại nhộn nhịp, khẩn trương, không chỉ phục vụ cho thị trường Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 mà còn hướng đến mục tiêu làm việc nhiều hơn, khẩn trương hơn để bù lại những ngày Thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Nỗ lực phục hồi và nắm bắt cơ hội của các doanh nghiệp sẽ giúp TPHCM đạt được mục tiêu quan trọng là trong năm 2022 hồi phục kinh tế, để năm 2023 tiếp tục tăng tốc, phát triển, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã đề ra.

Nguồn: baochinhphu.vn