THÁI NGUYÊN

Thái Nguyên: 25 năm khát vọng vươn lên

08:28:34 | 1/3/2022

Từ ngày 1/1/1997, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Bắc Thái, mở ra chặng đường phát triển mới. Trải qua 25 năm, từ một tỉnh nghèo, Thái Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực. Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có những chia sẻ về chặng đường 25 năm qua cũng như những định hướng của tỉnh trong thời gian tới. Ngọc Tùng thực hiện.

Bà có thể điểm lại một vài dấu ấn, thành quả nổi bật trong hành trình 25 năm qua vượt khó vươn lên, hội nhập và phát triển của Thái Nguyên?

Tại thời điểm tái lập (1/1/1997), tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính, gồm: TP Thái Nguyên, TX Sông Công và 7 huyện: Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, Phổ Yên; tổng diện tích tự nhiên trên 3.541km2, với số dân trên 1 triệu người.


Bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Là một tỉnh thuộc Vùng trung du miền núi phía Bắc, Thái Nguyên có tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng, với các lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên khoáng sản, rừng…; nhiều cơ sở công nghiệp lớn của Trung ương, trong đó đáng chú ý là Khu công nghiệp Gang Thép, các nhà máy cơ khí Sông Công, Phổ Yên cùng công nghiệp khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến, gia công, các nhà máy quốc phòng.

Tỉnh còn là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo lớn của cả nước, bao gồm 4 trường đại học, 20 trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, 8 trạm trại nghiên cứu… với đội ngũ trí thức và cán bộ khoa học, kỹ thuật đông đảo. Là trung tâm của vùng Việt Bắc, tỉnh nằm sát vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có hệ thống giao thông thuận lợi và kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, Thái Nguyên sau khi tái lập vẫn là một tỉnh nghèo, thu không đủ chi. Nền kinh tế phát triển không đồng đều và chưa vững chắc, thiếu vốn đầu tư cho phát triển. Cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư ban đầu nhưng chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Các cơ sở công nghiệp của Trung ương chủ yếu là công nghiệp nặng, xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ XX nên thiết bị và công nghê lạc hậu, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh trên thị trường yếu. Mặt bằng dân trí tuy đã cao hơn so với một số tỉnh miền núi nhưng phân bổ không đều. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và phần lớn nhân dân vẫn mang nặng nếp nghĩ, cách làm thời bao cấp cùng với tập quán canh tác lạc hậu…

Với mục tiêu đưa địa phương tiến nhanh và bền vững, trải qua 6 kỳ đại hội từ khi tái lập (từ Đại hội XV đến Đại hội XX), Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên luôn định hướng, lựa chọn con đường đổi mới để phát triển. Đồng thời, có quyết sách đúng đắn cho từng giai đoạn cụ thể, khai thác thế mạnh, phát huy mọi nội lực, từng bước khắc phục khó khăn. Nhờ vậy, trong gần 1 năm kể từ ngày mới được thành lập, nhịp độ phát triển kinh tế trong tỉnh vẫn đảm bảo tốt.

Tại Đại hội lần thứ XX (tháng 10-2020), Đảng bộ tỉnh  xác định mục tiêu tổng quát: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”.

Hiện thực hóa định hướng và những chủ trương đúng đắn, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, quan tâm đến việc tổ chức sắp xếp bộ máy, tạo đột phá và nâng cao chất lượng công tác cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Nhờ vậy, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Minh chứng rõ nét nhất là trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã hoàn thành toàn diện 19/19 chỉ tiêu nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,1%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nổi bật nhất là giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,3%/năm, vươn lên đứng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ…

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng Thái Nguyên vẫn hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.  Bà đánh giá thế nào về những kết quả này?

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,56% (cao gấp 2,5 lần so với trung bình cả nước, cả nước dự ước là 2,58%); tổng thu ngân sách Nhà nước đã đạt gần 18.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 844.000 tỷ đồng, tăng 7,7%; giá trị xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD, tăng 17,9%, thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước.


Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất và Cờ thi đua của Chính phủ tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Trải qua 25 năm tái lập tỉnh, đây là thời điểm Thái Nguyên gặt hái những mùa “quả ngọt”. Có thể khẳng định, những đường lối, quyết sách của Đảng bộ và chính quyền các cấp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Khát vọng phát triển và đường hướng phù hợp đã giúp Thái Nguyên có những bứt phá thành công trong Đồng thời, đây là động lực quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 cũng như những năm tiếp theo.

Một trong những điểm nhấn của Thái Nguyên là trong chiến lược phát triển kinh tế luôn ưu tiên những lĩnh vực trọng tâm để phát huy những lợi thế so sánh như điều kiện tự nhiên, điều kiện thổ nhưỡng, vị trí địa lý, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tập trung phát triển hạ tầng cơ sở để thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao…

Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tập trung vào những định hướng nào, thưa bà?

Cùng với hạ tầng đồng bộ, việc chủ động tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi đã giúp Thái Nguyên trở thành điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn đầu tư. Thái Nguyên nằm trong top 15 tỉnh, thành có chỉ số cạnh tranh tốt nhất cả nước (chỉ số PCI năm 2020 xếp thứ 11/63). Điều này cho thấy, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng chính quyền tỉnh vẫn luôn quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh đã quan tâm cải cách hành chính, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, nắm bắt vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ.


Sau 25 năm tái lập, Thái Nguyên đã có sự đổi thay mạnh mẽ, vươn lên trở thành tỉnh khá của Vùng trung du và miền núi phía Bắc

Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, do vậy tỉnh sẽ quyết tâm, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8%; Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 9%; Giá trị xuất khẩu tăng 9%; GRDP bình quân đầu người đạt 105 triệu đồng/người/năm; Thu ngân sách nhà nước đạt 18.000 tỷ đồng…

Để hoàn thành các mục tiêu này, thời gian tới Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; Triển khai thực hiện tốt các Chương trình hành động của Tỉnh ủy; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 5 năm 2021–2025; các nội dung của Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Song song với đó, tỉnh tích cực cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, trong nước và trong tỉnh để có đối sách phù hợp, kịp thời, không để bị động, bất ngờ…

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Vietnam Business Forum