Dịch bệnh cùng nhiều khó khăn khác đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đào tạo của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu. Tuy vậy, Ban giám hiệu vẫn đặt mục tiêu đến năm 2025 Trường sẽ trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo đa ngành, đa cấp, đa hệ, đồng thời là trung tâm nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ hành chính - văn phòng có uy tín và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh nhà và khu vực.
Từ khó chồng khó
Gặp Nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Trần Công Chánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường trong hoàn cảnh tỉnh Bạc Liêu vừa trải qua thời gian dài phong toả nghiêm ngặt để đối phó với làn sóng Covid-19, thầy cho biết Nhà trường vừa phải trải qua giai đoạn hết sức khó khăn.
Chỉ về ngôi trường cũ kỹ, xuống cấp, thầy Trần Công Chánh cho biết: “Từ 2019 Nhà trường được tỉnh quan tâm đầu tư 100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở mới ở khu đô thị mới Hoàng Phát và đến nay đã hoàn thành. Nhưng khi chuẩn bị nhận bàn giao đưa vào sử dụng thì dịch Covid-19 bùng phát và ngôi trường mới chưa sử dụng ngày nào được tỉnh trưng dụng để làm nơi cách ly, thu dung điều trị Covid-19. Do đó, đến nay Nhà trường vẫn phải sử dụng cơ sở vật chất cũ khiến hoạt động đào tạo gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn thứ hai, cũng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đời sống của nhân dân đang gặp nhiều khó khăn nên đề án tăng học phí chưa thể triển khai, khiến nguồn thu phục vụ dạy và học rất hạn chế. Trong khi đó, đặc điểm của Trường 80% đối tượng tuyển sinh là học sinh trung học cơ sở, đối tượng mà theo Nghị định 86 không thu học phí nên lại càng khó khăn hơn. Kinh phí hoạt động do đó phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước cấp bù, chỉ đủ chi chứ không thể để tái đầu tư cho giảng dạy và học tập, đổi mới sáng tạo.
Phối cảnh ngôi trường mới tại Khu đô thị mới Hoàng Phát
Khó khăn thứ ba là công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn, do nhận thức của xã hội hiện chỉ “thích làm thầy chứ không thích làm thợ”. Để duy trì được quy mô đào tạo như hiện nay, Ban giám hiệu, giáo viên, cán bộ nhân viên của Trường phải làm việc hết tốc lực, mỗi người phải làm việc gấp đôi, gấp ba bằng nhiều phương thức, phương tiện khác nhau.
Khó khăn thứ tư là yêu cầu đổi mới giáo dục nghề nghiệp hiện nay đòi hỏi người giáo viên phải thay đổi từ dạy tiếp cận nội dung sang thực hành tay nghề. Nhưng người giáo viên vốn từ môi trường giáo dục trước đây không có tay nghề mà chỉ có kiến thức nên việc chuyển đổi đòi hỏi nhiều công sức.
Khó khăn thứ năm, cũng là khó chung của cả nước là thu nhập của giáo viên rất thấp, trong khi đó nghĩa vụ lại rất cao.
Đến những đột phá
Theo thầy Trần Công Chánh, 5 khó khăn trên cộng hưởng làm cho nguồn lực của Trường bị trói buộc, rất khó để phát triển. Do đó, phải năng động, sáng tạo và tự lực để khắc phục khó khăn và tạo ra đột phá.
Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng đào tạo, Trường thực hiện chuyển năng lực nhà giáo từ chuyên nghiệp sang nhà giáo giáo dục nghề nghiệp bằng cách đưa thầy cô đến nhà máy, xí nghiệp để thực hành, thực tập, giúp nhà giáo có tay nghề vững vàng như một kỹ sư. Thầy Trần Công Chánh cho biết đây là điểm đột phá lớn nhất mà Trường đã làm được.
Về công tác tuyển sinh, Trường tạo đột phá bằng cách biến công tác tuyển sinh từ trước đây chỉ là việc của Phòng đào tạo nay trở thành nhiệm vụ của mỗi người. Theo đó, tất cả mọi thành viên từ Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên của Trường đều được giao nhiệm vụ tuyển sinh và có trách nhiệm phải hoàn thành.
Về thu nhập, Trường chuyển chế độ làm việc chấm công sang theo đo lường sản phẩm. Mọi người được đảm bảo thu nhập khi hoàn thành nhiệm vụ được giao và có thêm phần thu nhập tăng thêm khi thực hiện vượt chỉ tiêu. Ví dụ như giáo viên tuyển sinh vượt chỉ tiêu, hay dạy vượt giờ được tính thêm tiền. Điều này làm phân hoá thu nhập trong nội bộ, từ đó xuất hiện động lực phấn đấu chứ không cào bằng như trước đây. Đồng thời, Trường đề ra khẩu hiệu “mỗi người giỏi một nghề nhưng biết nhiều nghề, giỏi một việc nhưng biết nhiều việc” để thay đổi nhận thức của giáo viên, cán bộ nhân viên, từ đó với sự hỗ trợ của Nhà trường và sự năng động của bản thân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.
Trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, Nhà trường tổ chức tốt công tác dạy và học online thông qua các ứng dụng, qua mạng xã hội. Và để đảm bảo chất lượng đào tạo, Nhà trường tổ chức các hội thảo, hội thi sáng tạo để giúp giáo viên nâng cao phương pháp, kỹ năng trong dạy online. Nhờ đó, duy trì được tiến độ năm học, kết thúc đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, trong điều kiện cơ sở vật chất của Nhà trường còn những hạn chế nhất định, Nhà trường tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh đến thực hành, thực tập. Nhà trường đã ký kết với nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiêp lớn như THACO, Việt Úc, Công ty Nam Miền Trung… để đưa học sinh về các nông trại, nhà máy, xí nghiệp thực hành, thực tập. Nhờ đó không chỉ khắc phục được hạn chế về cơ sở vật chất của Trường mà còn tạo ra môi trường tốt, giúp học sinh có tay nghề vững vàng. Kết quả là 100% học sinh ra trường đều có việc làm. Riêng học sinh có nhu cầu học lên đại học, Trường có chương trình liên thông với nhiều trường đại học uy tín trên cả nước.
Nâng cao chất lượng, đồng hành cùng địa phương
Chia sẻ về định hướng của Trường, thầy Trần Công Chánh cho biết, nâng cao chất lượng đào tạo là ưu tiên hàng đầu của Trường hiện nay. Trong năm 2021 Trường đã tổ chức tự đánh giá đảm bảo chất lượng nghề nghiệp và trong 2022 sẽ mời tổ chức đánh giá độc lập về đánh giá. Đồng thời, Trường đang xây dựng phương án để chuẩn bị đột phá cho giai đoạn phát triển mới: chuyển sang thực hiện kinh tế tự chủ vào năm 2025. Đồng thời, tới đây, mọi hoạt động từ dạy học, phục vụ học sinh cho đến quản lý tài chính, cơ sở vật chất… đều phải theo quy trình quản lý chất lượng.
Về hoạt động đào tạo, dựa trên 5 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, Nhà trường đã thành lập thêm Khoa văn hoá du lịch (đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực ẩm thực, du lịch, nhà hàng khách sạn, lữ hành), xây dựng ngành trọng điểm quốc gia là ngành Nuôi trồng thuỷ sản và nâng cấp ngành kế toán lên thành ngành trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN. Ba ngành này cùng với các ngành khác sẽ góp phần đắc lực cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cao cho tỉnh trong chiến lược 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI