Việc quy hoạch và triển khai vùng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và nông nghiệp, Hà Nội còn nhiều việc phải làm để quy hoạch vùng sản xuất, vừa phát huy được thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương, vừa bám sát tiến trình phát triển đô thị.
Cùng với dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp Thủ đô xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; giúp nông dân tích tụ ruộng đất, thực hiện sản xuất chuyên canh, nâng cao thu nhập. Trong đó, hầu hết địa phương trên địa bàn TP đều tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp với lợi thế của địa phương.
Đáng chú ý, tại các huyện xa trung tâm còn nhiều khó khăn như: Sóc Sơn Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ba Vì... cũng đã nỗ lực chuyển đổi, hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đơn cử như tại huyện Sóc Sơn, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, địa phương đã chuyển đổi được hơn 528ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các vùng chuyên canh tập trung. Cụ thể: Vùng trồng rau hữu cơ - rau an toàn VietGAP, rau công nghệ cao với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Thanh Xuân, Tân Dân, Hiền Ninh…; vùng trồng cây ăn quả với quy mô từ 5ha trở lên tại các xã: Phú Cường, Phú Minh, Nam Sơn…; vùng trồng cây dược liệu, thảo dược với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Bắc Sơn, Minh Trí, Xuân Giang…
Có đồng đất phù hợp với cây lúa, huyện Thanh Oai được quy hoạch là vùng trồng lúa trọng điểm của Hà Nội. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn cho biết: Thanh Oai đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với diện tích hơn 3.000ha, qua đó tạo thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều địa phương áp dụng cơ giới hóa từ gieo mạ đến thu hoạch (100% diện tích lúa làm đất bằng máy; 99% diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn…). Việc thực hiện quy hoạch của ngành Nông nghiệp không chỉ tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.
Còn tại huyện Thạch Thất, theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban, từ khi xã Hương Ngải được quy hoạch là vùng sản xuất rau an toàn, nông dân đã mạnh dạn đầu tư, hợp tác xã đã nâng diện tích sản xuất lên 55ha, thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm; mỗi ngày bán ra thị trường 500-700kg rau, củ, quả…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cũng thông tin: Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690ha tại các xã Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải; vùng sản xuất rau an toàn, quy mô 285ha tại các xã Tiến Xuân, Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Bình, Yên Trung... Việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo hướng hàng hóa không chỉ tạo thuận lợi cho nông dân trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn cho thu nhập cao gấp 5-7 lần so với sản xuất lúa theo phương thức truyền thống...
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, trên địa bàn TP đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao cho thu nhập tăng 25 - 30% so với sản xuất lúa truyền thống; vùng sản xuất rau an toàn đạt từ 400 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả đạt 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/ năm; vùng trồng hoa, cây cảnh đạt 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư đạt 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm...
Đánh giá về phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn TP, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định, mặc dù đạt được kết quả nhất định, song quá trình xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn ở Hà Nội còn không ít khó khăn, vướng mắc nội tại cần sớm được tháo gỡ. Đó là: Sản xuất nông nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết; cơ sở hạ tầng (điện, đường giao thông, thủy lợi…) phục vụ sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho nông sản thiếu chuyên nghiệp, vẫn “mạnh ai nấy làm”...
Vì vậy, trong định hướng phát triển, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đây là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh nhu cầu về các mặt hàng nông sản chất lượng cao ngày càng lớn, đặc biệt là ở thị trường Hà Nội và xuất khẩu.
Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa đã hình thành theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ "đầu ra" cho sản phẩm. Cụ thể, đối với cây ăn quả sẽ tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây chủ lực (bưởi, chuối, bưởi, nhãn…) quy mô hơn 20.000ha; rau màu hơn 5.000ha; hoa, cây cảnh hơn 9.000ha.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tập trung phát triển chăn nuôi tại các vùng trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình lúa - cá (diện tích nuôi tập trung khoảng 11.500ha với các loại đặc sản như: Trắm đen, cá lăng, điêu hồng, tôm càng xanh…) TP sẽ tiếp tục bố trí tăng nguồn ngân sách để thực hiện các chương trình, đề án, dự án của ngành nông nghiệp Thủ đô; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh, lồng ghép trong các chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.
*Bài viết có sự hỗ trợ của Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội.
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI