Trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030, khu du lịch này gồm 6 khu chức năng: Khu trung tâm đón tiếp (tiếp giáp bờ Bắc hồ Tam Chúc) là nơi đón tiếp và cung cấp thông tin hướng dẫn cho khách du lịch về dịch vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, thưởng thức ẩm thực; tham quan, tham gia các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, hội chợ, hoạt động vui chơi giải trí hiện đại.
Đến nay, Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc và khu trung tâm đón tiếp với sự đầu tư từ Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã cơ bản hình thành và đưa vào khai thác du lịch. Với chức năng là điểm nhấn của du lịch Hà Nam, điểm kết nối với các khu, điểm du lịch lớn vùng Đồng bằng sông Hồng, ngay từ khi đưa vào khai thác, Khu du lịch đã đón nhận hàng triệu lượt du khách đến tham quan, chiêm bái, là điểm du lịch được ưu tiên lựa chọn của nhiều người.
Tiến tới mục tiêu Khu du lịch Tam Chúc trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã lên ý tưởng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Tam Chúc.
Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, các đơn vị chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để triển khai xếp hạng, ghi danh trong nước, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tam Chúc là Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Vừa qua, thông qua các hoạt động điền dã tại quần thể danh thắng Tam Chúc, Đoàn khảo sát của Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học bước đầu đã phát hiện ra 10 hang động, mái đá, giếng Catxtơ có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, liên quan đến sự hình thành kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm. Đặc biệt, đoàn đã phát hiện ra cồn hến nằm giữa lòng hồ Tam Chúc với kết cấu tầng vỏ sò khá dày. Trong tầng vỏ sò này còn phát hiện ra những hiện vật văn hóa như: cuội đá, hạch đá, mảnh tước, mảnh gốm sứ, bát đĩa… Qua giám định, các hiện vật trên thuộc nhiều thời kỳ từ văn hóa Đông Sơn đến giai đoạn Bắc thuộc và các triều đại phong kiến Việt Nam sau này.
Những phát hiện trên đây rất quan trọng, được xem là chìa khóa để mở ra công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, góp phần giải mã về lịch sử văn hóa vùng đất Tam Chúc. Đồng thời là cơ sở khoa học, bằng chứng xác thực nhất để phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước, UNESCO xếp hạng, công nhận quần thể danh thắng Tam Chúc trên cả hai phương diện Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Nguồn: TTXTDL Hà Nam