Sáng 21-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu trực tuyến…
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển nông thôn. Các thiết chế hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản đã được cải thiện, đời sống người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ban ngành đã hoàn thành thể chế chính sách cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Như vậy, về cơ chế, chính sách đã đầy đủ, Trung ương cũng đã có kế hoạch phân bổ vốn từ trung ương đến địa phương để thực hiện 3 mục tiêu trên. Phó Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo các cấp ở các địa phương nghiên cứu và triển khai ngay vào thực tế. Trong đó, cần chú trọng nâng cao nhận thức, vai trò của lãnh đạo các cấp địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị; các địa phương cần huy động tối đa nguồn lực để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quan tâm tích cực ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong thực hiện các mục tiêu quốc gia; đặc biệt trong công tác tuyên truyền rộng rãi đến người dân; triển khai sâu rộng đến các cấp cơ sở; phát huy hiệu quả các phong trào thi đua; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trao đổi về tiến độ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, cả nước có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (hiện nay là 69,4%); 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (hiện nay là 34,1%); 60% thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước có từ 17-19 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (hiện có 5 tỉnh)… Dự kiến ngân sách bố trí cho chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 196.332 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai, An Giang… khẳng định việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn, nhất là những địa bàn khó khăn.
Các địa phương kiến nghị Trung ương sớm phân bổ nguồn vốn, các bộ, ngành sớm có văn bản hướng dẫn, tiêu chí cụ thể trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng, miền.
Đến nay, cả nước có 5.706/8.227 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 663 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 16 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bùi Liên (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI