TRÀ VINH

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

08:21:51 | 29/4/2022

Với sự quan tâm, đầu tư đúng mức trong công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Trà Vinh ngày càng được nâng cao; cơ cấu lao động cũng từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đa dạng các hình thức đào tạo

Xác định đào tạo nghề là một trong những nội dung chủ yếu để giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lực lượng lao động khu vực nông thôn, những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã chú trọng phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh.


Hoạt động kết nối, giao dịch việc làm trực tuyến, liên vùng đang từng bước đem lại hiệu quả cho công tác giải quyết việc làm của Trà Vinh

Hiện toàn tỉnh có 16 cơ sở GDNN, gồm có: 02 trường cao đẳng (Trường Cao đẳng Nghề và Trường Cao đẳng Y tế); 06 Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; 08 cơ sở giáo dục khác có đào tạo nghề. Trong đó, Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh được đưa vào danh sách các trường công lập đào tạo các ngành nghề trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển, phấn đấu đến năm 2025 tiến tới thành trường chất lượng cao.

Đến nay, đội ngũ quản lý, viên chức, giáo viên, giảng viên tại các cơ sở GDNN của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn chuyên môn đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và nhiệm vụ được giao. Hàng năm các cơ sở GDNN đào tạo cho khoảng 19.000 người lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35,84%; tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt 88,38%; tỷ lệ lao động tham gia học nghề nông nghiệp chiếm 44,20% và phi nông nghiệp chiếm 55,79%.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Trà Vinh đã đào tạo hơn 76.000 người, cụ thể cao đẳng hơn 4.000 người, trung cấp hơn 2.400 người; sơ cấp, kèm nghề, truyền nghề… hơn 70.000 người.

Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh còn có khoảng 20 doanh nghiệp (DN) tham gia đào tạo thường xuyên (kèm cặp, truyền nghề tại DN). Đến nay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã hỗ trợ cho 04 DN để chính thức đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho người lao động. Cùng với đó là phương thức truyền nghề, kèm nghề tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ; các hợp tác xã, tổ, nhóm sản xuất…

Với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, xã hội hóa trong công tác phát triển GDNN, tỉnh đã phát triển được 02 Trung tâm GDNN tư thục là Trung tâm GDNN Miền Nam và Trung tâm GDNN 3T Trà Vinh.

Giải quyết việc làm cho người lao động

Đi đôi với việc đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cho người lao động cũng được tỉnh Trà Vinh đặc biệt quan tâm. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 50.674 lao động đang chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, (có 35.094 người bị mất việc, chiếm 69,3%; có 15.580 người bị thiếu việc làm, chiếm 30,7%). Riêng đối với nhóm lao động là người Trà Vinh từ ngoài tỉnh (tự phát) về địa phương có 25.186 người. Trong đó, số người có nhu cầu tìm việc làm trong tỉnh là 10.412 người; số người có nhu cầu tìm việc làm ngoài tỉnh là 10.670 người; số người có nhu cầu tìm việc làm tại nơi cư trú 2.396 người.

Để tạo việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh giải quyết tốt các chế độ chính sách thất nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tích cực chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động; xây dựng đội ngũ cộng tác viên giới thiệu việc làm tại khóm, ấp, tổ dân cư; cung cấp đầy đủ kịp thời, chính xác thông tin thị trường lao động. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập, hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và dịch vụ việc làm.

Đối với những lao động có nhu cầu tìm việc tại gia đình, Sở phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh xây dựng đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025, triển khai vào năm 2022. Đề án sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động, ưu tiên các lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trở về địa phương.

Giai đoạn 2021-2025, Trà Vinh đặt mục tiêu sẽ đào tạo cho 95.000 lao động; trong đó, tuyển sinh đào tạo mới 19.000 người/năm, ít nhất 90% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% vào năm 2025.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phân luồng, đào tạo nghề cho học sinh sau THCS và THPT; đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu thị trường lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao; hợp tác liên kết đào tạo với các trường đại học trong và ngoài nước…

Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết, thời gian tới, ngành sẽ lồng ghép các chương trình đào tạo phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.

Sở cũng sẽ tiến hành điều tra thị trường, cung cầu lao động hàng năm; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, dự án về đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Chú trọng hỗ trợ đào tạo đáp ứng nhu cầu của DN; đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, ổn định cuộc sống, nhằm nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

 “Tin rằng, với các chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn tới sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Qua đó không chỉ tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần cải thiện chỉ số Đào tạo lao động, nâng cao lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư”, ông Nguyễn Văn Út khẳng định.

Nguồn: Vietnam Business Forum